dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Hiệu quả liên kết trồng mía ở Phong Thổ

Mô hình liên kết trồng mía giữa Hợp tác xã nông sản Lai Châu với hộ dân ở xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã mang lại hiệu quả bước đầu,,,

Liên kết trồng mía để phát triển

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, anh Nguyễn Trung Dũng – Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông sản Lai Châu, cho biết: "HTX nông sản Lai Châu được thành lập từ tháng 4/2019. HTX đứng chân trên địa bàn thôn Tây Sơn (xã Mường So, huyện Phong Thổ) với ngành nghề chính là sản xuất, tiêu thụ mía nguyên liệu.

Nhận thấy đối tác bên Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về mía nguyên liệu, chúng tôi đã đầu tư trồng thử nghiệm cây mía ở một số địa phương của tỉnh Lai Châu. Qua trồng thử nghiệm cho thấy, cây mía khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Lai Châu. Trên cơ sở đó, HTX đã ký hợp đồng cung cấp mía nguyên liệu với đối tác bên Trung Quốc và mở rộng diện tích trồng mía bằng cách liên kết với người dân".

Hiệu quả bước đầu từ mô hình liên kết trồng mía ở Phong Thổ - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ) tham gia mô hình liên kết trồng mía với Hợp tác xã nông sản Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trên cơ sở khảo sát, HTX nông sản Lai Châu đã chọn phát triển diện tích trồng mía trên đồng đất xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ). Theo anh Dũng, tham gia mô hình liên kết trồng mía, người dân chỉ phải bỏ đất và công trồng, chăm sóc mía. Toàn bộ từ khâu làm đất đến giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kĩ thuật đều được HTX đầu tư. Tức là người dân tham gia trồng mía không phải đầu tư chi phí ban đầu.

"HTX kí hợp đồng liên kết trồng mía với từng hộ dân. Khi thu hoạch vụ mía đầu tiên, người dân không phải trả lại toàn bộ chi phí do HTX đầu tư, mà trả dần theo từng năm. HTX kí hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu cho người dân, với giá bảo hiểm là 1000 đồng/kg. Không phải đầu tư chi phí ban đầu và không phải lo đầu ra, nên nhiều hộ dân mạnh dạn tham gia mô hình liên kết trồng mía với HTX" – anh Dũng cho hay.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình liên kết trồng mía ở Phong Thổ - Ảnh 2.

Tham gia mô hình liên kết trồng mía với hợp tác xã, người dân không phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Liên kết trồng mía để tiêu thụ nông sản

Đến nay, HTX nông sản Lai Châu đã kí hợp đồng liên kết trồng mía với hơn 200 hộ dân ở các địa phương của tỉnh Lai Châu, với diện tích lên đến hơn 120ha, trong đó có khoảng 80ha mía đã cho thu hoạch. Hoang Thèn là xã chiềm nhiều diện tích trồng mía nhất, khoảng 60ha. Diện tích mía còn lại được trồng ở 2 xã: Bản Giang, Sơn Bình (huyện Tam Đường) và ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu).

Theo anh Dũng, cây mía sinh trưởng và phát triển khá tốt trên đồng đất ở Lai Châu. Trồng 1ha mía có thể thu hơn 100 tấn mía tươi trong năm đầu tiên, sang năng thứ 2, thứ 3 năng suất mía sẽ cao hơn. Như vậy, trồng 1ha mía, mỗi năm người dân cũng thu hơn 100 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, sắn.

Năm 2020, gia đình anh Lý Vần Pao, ở bản Lèng Xuôi Chin (xã Hoang Thèn) mạnh dạn đăng kí tham gia mô hình liên kết trồng mía với HTX nông sản Lai Châu. Gia đình anh Pao tôi trồng hơn 1ha mía. "Tham gia trồng mía, gia đình tôi không phải đầu tư chi phí ban đầu, mà chỉ bỏ công ra trồng và chăm sóc. Năm 2020, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng từ trồng mía bán cho hợp tác xã đấy. Nếu trồng sắn thì thu nhập không được cao như vậy" – anh Pao vui vẻ nói.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình liên kết trồng mía ở Phong Thổ - Ảnh 3.

Toàn huyện Phong Thổ hiện có hơn 100ha mía, trong đó có hơn 60ha đã cho thu hoạch. (Ảnh: Thanh Ngân)

Qua câu chuyện với anh Dũng, được biết: HTX nông sản Lai Châu và các hộ tham gia mô hình liên kết trồng mía đang gặp phải khó khăn. Gần 80ha mía đã đến vụ thu hoạch, song người dân vẫn chưa thể chặt bán. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc tạm dừng tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng từ nhiều tháng nay.

"Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nước bạn Trung Quốc vẫn chưa cho thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Ma Lù Thàng. Chính vì không xuất khẩu được nên HTX vẫn chưa dám cho người dân chặt mía. Hơn 7000 tấn mía nguyên liệu đến giờ vẫn còn nằm trên nương.

Người trồng mía đang rất lo lắng. HTX đã trao đổi với đối tác bên Trung Quốc, chậm nhất đến ngày 15/3 tới đây, mà cửa khẩu Ma Lù Thàng vẫn chưa mở cửa, thì HTX sẽ cho người dân chặt và thu mua mía nguyên liệu cho bà con để chế biến hoặc bán cho Công ty khác" – anh Dũng thông tin.

Thanh Ngân - Phạm Hoài