dd/mm/yyyy

Nông dân Sơn La: Thu trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi

Sau nhiều năm cần cù, chịu khó chăm sóc, vun trồng, đến nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi lợn của gia đình chị Đinh Thị Chung, bản Thanh Yên 1, xã Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Đường về nhà chị Chung dọc theo quốc lộ 6C ,đã được rải nhựa. Khi chúng tôi đến, chị Chung đang bận rộn với cuốn sổ, cây bút, ghi chép lại cẩn thận từng cân quả nhãn chín muộn đang được đóng gói vào thùng xốp, chuẩn bị xuất bán. Chị Chung, kể: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô rồi chuyển sang trồng mía nhưng làm quanh năm vất vả thu nhập cũng không được khấm khá.

Thu trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi - Ảnh 1.

Mô hình trồng nhãn ghép cho hiệu quả kinh tế cao của chị Đinh Thị Chung. Ảnh: Mùa Xuân.

Năm 2015, qua tìm hiểu trên sách, báo, mạng internet và đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình trồng cây ăn quả ở các địa phương khác. Chị Chung đã mạnh dạn chuyển đổi mảnh đất trồng ngô, mía năng suất thấp sang trồng nhãn chín muộn. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn nhãn của gia đình chị luôn phát triển tốt, đến nay, 1,5 ha nhãn chín muộn của gia đình chị đã cho thu hoạch quả.

Thời điểm này, nhiều thương lái đã đến tận vườn để thu mua nên gia đình chị đang tập trung huy động người dân địa phương giúp gia đình thu hái, đóng gói quả nhãn để kịp bán. Hiện tại, gia đình chị đã bán được hơn 12 tấn nhãn, với giá 10 nghìn đồng/kg, thu trên 100 triệu đồng, dự kiến hết vụ năm nay, chị sẽ thu được 30 tấn quả nhãn chín muộn.

Thu trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi - Ảnh 2.

Cùng với trồng cây ăn quả, chị Chung nuôi thêm lợn để nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Chung, chia sẻ: Từ khi gia đình tôi chuyển sang trồng nhãn chín muộn thấy mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Nếu như trước đây toàn bộ diện tích mía chỉ cho thu nhập được gần 100 triệu đồng/năm, thì giờ đây mỗi năm gia đình tôi thu được từ 200 - 400 triệu đồng từ trồng nhãn đấy. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, giá bán nhãn thấp hơn so với mọi năm nhưng đầu ra ổn định người nông dân chúng tôi cũng mừng.

Ngoài thu nhập từ trồng nhãn, gia đình chị Chung còn đầu tư xây chuồng nuôi lợn, với diện tích gần 200 m2. Hiện, gia đình chị đang nuôi 9 con nái sinh sản để tự chủ con giống trong chăn nuôi, giảm chi phí đầu tư; 41 con lợn thịt. Từ đầu năm đến nay, gia đình chị Chung đã xuất bán hơn 1 tấn thịt lợn hơi ra thị trường, thu hơn 80 triệu đồng.

Thu trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi - Ảnh 3.

Hiện, diện tích nhãn của chị Chung đang được thương lái thu mua tại vườn với giá 10 nghìn đồng/kg. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo chị Chung mặc dù không được đào tạo bài bản về chăn nuôi, trồng trọt nhưng nhiều năm qua chị đã vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế của những hộ dân đã làm trước. Qua đó, chị trau dồi thêm kiến thức về cách chăm sóc, phòng bệnh bảo vệ đàn lợn, vườn cây ăn quả.

Ngoài ra, chị Chung còn hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ vốn, con giống và kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây ăn quả cho các hộ dân có cùng sở thích cùng tham gia phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã biết chuyển đổi hình thức chăn nuôi khoa học, phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc, có của ăn, của để, đời sống dần ổn định hơn.

Thu trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi - Ảnh 4.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn thịt của chị Chung sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ảnh: Mùa Xuân.

Có thể thấy mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Chung đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp địa phương. Đồng thời, được người dân trong bản, xã đến tham quan, học tập và làm theo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn ở xã vùng biên ngày càng thêm khởi sắc. 

Mùa Xuân