dd/mm/yyyy

Nông dân Sơn La "ôm" đống nghề vẫn thu 200 triệu đồng mỗi năm

Từ phát triển kinh tế theo mô hình VAC (vườn – ao – chuồng), nông dân Cà Thị Trinh ở bản Nang Phai (xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) có doanh thu ổn định 200 triệu đồng mỗi năm. Đó là mô hình đào ao thả cá, nuôi bò nhốt chuồng và trồng nhãn, trồng táo...

Mô hình VAC của bà Cà Thị Trinh, bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La (tỉnh Sơn La). Đây là một trong những mô hình VAC được đánh giá cao khi mang lại hiệu quả kinh tế và cho thu nhập ổn định.

Nhớ lại một thời gian khó, bà Trinh kể: "Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông, đông anh em. Đầu những năm 1980, cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Lúc đấy, có ngô, sắn ăn là hộ khá trong bản rồi. Đến năm 1986, tôi lấy chồng. Gia đình chồng có 9 nhân khẩu. Chồng tôi lại là con cả nên ông bà cho 2 vợ chồng ra ở riêng".

Nông dân Sơn La "ôm" đống nghề vẫn thu 200 triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Mô hình VAC của bà Trinh là trồng trọt, chăn nuôi hỗ trợ cho nhau. Trồng ngô, trồng chuối lấy thân, lấy lá làm thức ăn xanh cho đàn bò sinh sản. Phân bò được xử lý quay trở lại bón cho cây trồng...

Qua trò chuyện với ông Lèo Văn Hải (chồng bà Trinh), được biết: Trước đây, ông Hải đi bộ đội ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trong quá trình làm nhiệm vụ, ông bị thương ở cột sống. Do vậy, khi ra quân trở về nhà không còn sức khỏe để giúp gia đình làm nông được. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

"Chồng tôi bị thương ở cột sống, mất 46% sức khỏe. Là phụ nữ, chân yếu tay mềm nên tôi chỉ lao động được một thời gian nhất định trong ngày. Thời điểm đó, bà con bản Nang Phai lên núi khai hoang trồng lúa, ngô, sắn. Có mỗi gia đình tôi là làm nương gần nhà. Nhìn vợ con vất vả, chồng tôi kêu người thân đến giúp gia đình đào ao thả cả. Từ đây, cuộc sống gia đình cũng bắt đầu khởi sắc dần", bà Trinh nhớ lại.

Nông dân Sơn La "ôm" đống nghề vẫn thu 200 triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề của Hội Nông dân, gia đình bà Trinh đã biết cách ghép mắt, bón phân cho vườn cây ăn trái. Nhờ vậy, năng suất quả thu được năm sau luôn cao hơn năm trước.

Bà Trinh chia sẻ: Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm làm kinh tế nên nếu không may mắn thất bại thì 2 vợ chồng sẽ trắng tay. Bởi vì, tất cả mọi vốn liếng tích cóp được từ trước đến giờ chúng tôi đều dồn cả vào ao cá và cây ăn quả. Cái chúng tôi thiếu nhất là kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. 

Để có được kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vợ chồng bà Trinh luôn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, đào tạo nghề của Hội Nông dân các cấp. "Thông qua các buổi tập huấn, đào tạo nghề của cán bộ nông nghiệp, nông dân, vợ chồng tôi đã biết được kỹ thuật ghép mắt, bón phân cho vườn cây ăn quả. Ngoài ra, cách phòng bệnh cho đàn bò, ao cá cũng được cán bộ Hội Nông dân "cầm tay, chỉ việc" cho chúng tôi", bà Trinh bảo vậy.

Nông dân Sơn La "ôm" đống nghề vẫn thu 200 triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất, đến nay, bà Trinh đã có 3 ao cá rộng lớn với hàng nghìn con cá trắm, chép, rô phi lai.

Nhờ vậy, những năm sau đó, tận dụng diện tích đất rộng, bà Trinh tiếp tục mở rộng diện tích ao. Bên cạnh đó, bà nuôi thêm bò, trồng thêm cây chuối, nhãn, táo, dừa. Đến nay, bà Trinh có 3 ao cá rộng khoảng 8.000m2 thả hàng nghìn con cá trắm, chép, rô phi lai. Ngoài ra, bà Trinh còn nuôi thêm 10 con bò, trồng 1ha chuối tây và 200 gốc táo, nhãn ghép.

Mỗi năm, bà Trinh xuất bán 7 tạ cá ra thị trường. Với giá cá trắm 100.000 đồng/kg, cá chép 65.000 đồng/kg, cá rô phi 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bà Trinh thu 50 triệu đồng. Mặt khác, từ nuôi bò nhốt chuồng, trồng chuối, táo, nhãn ghép, bà Trinh còn thu 100 triệu đồng/năm. Sau khi trừ 50 triệu đồng chi phí chăm sóc, bà Trinh cũng "bỏ túi" 50 triệu đồng.

Nông dân Sơn La "ôm" đống nghề vẫn thu 200 triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Mô hình VAC của bà Trinh còn tạo ra lợi ích nữa là dùng phân bò ủ hoai mục để bón cho vườn cây ăn quả.

Bà Trinh phấn khởi bảo: "Nhờ mô hình VAC, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 100 triệu đồng".

Theo bà Trinh, lợi ích của mô hình VAC là tạo nên vòng tròn khép kín. Phân nuôi bò được dùng để cung cấp thức ăn cho cá và ủ hoai mục để bón cho các loại cây trồng. Nước trong ao cá dùng để tưới cho cây trồng và dùng bùn dưới ao bón tiếp cho cây trồng. Quan trọng nhất là công tác vệ sinh môi trường luôn được đảm bảo. Nhờ đó, gia đình giảm được rất nhiều chi phí sản xuất.

Bà Trinh cho biết thêm: "Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng cây ăn quả, hướng đến việc tạo ra sản phẩm an toàn, sạch cho khách hàng". 

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Hội Nông dân xã Mường Bú cho hay: "So với trồng cây ngô, sắn trên nương như trước đây, mô hình VAC như gia đình bà Trinh cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Bởi thực tế từ hiệu quả mô hình VAC này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà Trinh. Phát triển kinh tế theo mô hình VAC của bà Trinh được ban quản lý bản đánh giá là hướng đi phù hợp để các hộ dân khác học tập và làm theo".

 

Tuệ Linh