dd/mm/yyyy

Nhà nông “liêu xiêu” vì giá phân bón, rơm rạ tăng mạnh như "tên lửa"

Các vùng trồng thanh long ở Bình Thuận đang bước vào mùa chong đèn vụ nghịch. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao. Nhiều nông dân không dám đầu tư hoặc chỉ đầu tư cầm chừng.

Nông dân trồng thanh long đối diện vòng lẩn quẩn

Cùng thời điểm này những năm trước, anh Trần Văn Lân (ở huyện Bắc Bình) đã cải tạo vườn, bón phân phục hồi vườn cây thanh long sau thu hoạch. Nhưng năm nay anh không dám đầu tư mạnh tay. 

"Vừa qua, dịch Covid-19 kéo dài khiến nông dân gặp khó vì giá thanh long chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Trong khi giá vật tư tăng cao, bà con bán thanh long không đủ bù chi phí" - anh Lân nói.

Ông Trương Phước Tuấn (ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) đang canh tác hơn 1.000 trụ thanh long. Ông Tuấn kể, cùng kỳ năm ngoái, chi phí vật tư tính ra chỉ 25.000 đồng cho mỗi trụ. Thế nhưng vụ này, giá cả vật tư tăng cao lên gấp đôi, thậm chí rơm rạ cũng tăng mạnh.

Nếu chỉ tưới bón cầm chừng, cây thanh long không thể phát triển tốt, thậm chí còn hư hỏng bộ rễ, lâu ngày sẽ chết. Đầu tư thêm thì không đủ vốn, nhiều người còn tính chuyện phá thanh long để trồng lúa. Nhưng phá thanh long thì chi phí tốn kém. Rồi khi trồng lúa trở lại thì đất nhiều cỏ nên việc cải tạo đất cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhà nông “liêu xiêu” với giá vật tư   - Ảnh 1.

Nông dân Bình Thuận chăm sóc vườn thanh long. Ảnh: Phúc Khánh

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho rằng, trong khi chờ đợi các ngành chức năng có giải pháp bình ổn giá vật tư, nông dân cần áp dụng các tiến bộ trong sản xuất. Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng...

Một điều đáng lo ngại hơn là giá vật tư cao, trong khi giá thanh long lên xuống thất thường dễ đẩy nông dân vào vòng luẩn quẩn. Như hồi tháng 7, giá thanh long chỉ ở mức 2.000-3.000 đồng/kg.

Từ cuối tháng 10 đến nay, giá thanh long lại tăng ở mức 13.000-15.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do sau đợt thanh long rớt giá, nhiều nhà vườn ngại đầu tư nên nguồn hàng khan hiếm, dẫn đến giá tăng cao.

Theo tâm lý, cứ mỗi đợt giá cao, bà con lại đầu tư mạnh với hy vọng đón đầu về giá. "Việc đầu tư đồng loạt dẫn đến cung lớn hơn cầu, nên dễ tái diễn tái diễn thực trạng được mùa mất giá. Đầu tư trong lúc giá vật tư đang cao ngất như lúc này lại càng rủi ro"- ông Tuấn phân tích.

Giá vật tư như "tên lửa"

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung cho sản xuất vụ đông xuân. Cây lúa đang trong giai đoạn cần bón phân đợt cuối chuẩn bị cho thu hoạch. Thế nhưng, hơn nửa tháng qua, giá phân bón, thuốc đồng loạt tăng mạnh khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Theo các cửa hàng cung ứng vật tư trên địa bàn tỉnh, giá các loại phân bón thuốc bảo vệ thực vật đã tăng từ 20-40% so với vụ hè thu năm 2021.

Ông Đỗ Ngọc Hiền (nông dân trồng lúa ở huyện Long Điền) cho biết, phân thuốc chiếm từ 30-40% tổng chi phí sản xuất. Trong khi giá lúa hiện dao động từ 4.500-5.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1.000 đồng/kg. 

Không chỉ vậy, giá xăng dầu và nhiều chi phí khác cũng tăng cao. Chưa bao giờ người nông dân phải gánh nhiều chi phí cho một mùa vụ sản xuất như vậy. "Giá phân thuốc cứ tăng tốc không có điểm dừng, nông dân chịu sao cho thấu"- ông Hiền bức xúc.

Tại Tây Ninh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, giá các mặt hàng phân bón tăng mạnh từ tháng 3/2021 đến nay. Trung bình cứ khoảng 15 ngày sẽ có một giá mới, cao hơn giá cũ từ 10.000-30.000 đồng/bao. Một số loại thuốc bảo vệ thực vật cũng điều chỉnh giá tăng hơn 50% so với trước đây.

Ông Đỗ Thạnh An (ở xã Trí Bình, huyện Châu Thành) kể, vụ lúa đông xuân hàng năm nhờ có lượng phù sa bồi đắp nên chi phí vật tư cũng nhẹ hơn, năng suất lại cao hơn. 

Ông An nhẩm tính, chi phí phân, thuốc cho 1ha lúa vụ đông xuân khoảng 10-12 triệu đồng. Vụ này chi phí tăng gần 20 triệu đồng, cộng thêm các chi phí làm đất, gieo sạ, thu hoạch và vận chuyển thì mức đầu tư lên gần 30 triệu đồng. Sau 3 tháng nữa, nếu trúng mùa, ông An chỉ lời hơn 2 triệu đồng/ha. "Với giá phân bón đang tăng phi mã như hiện, có khi bỏ ruộng còn khoẻ hơn"- ông An nói. 

Trần Khánh