dd/mm/yyyy

Người đánh bạc với cây chuối trên vùng đất gió

Anh Đặng Văn Hồng, một nông dân thuần chất dám mang cả cơ nghiệp đổ vào cánh đồng chuối gần 20 ha trên vùng đất gió và sương muối. “Canh bạc” rất nhiều may rủi…

Xã Pắc Ta nằm cạnh “cửa gió” Khau Co, đây là vùng đất gió nổi tiếng của Tây Bắc, từ xưa đã có câu ca “Ruồi vàng bọ chó gió Than Uyên”.

Trước tháng 10/2008 Pắc Ta thuộc huyện Than Uyên, ngày 30/10/2008 Than Uyên được tách ra thành huyện Tân Uyên và Than Uyên thuộc tỉnh Lai Châu.

Người đánh bạc với cây chuối trên vùng đất gió - Ảnh 1.

Cánh đồng chuối cấy mô của Đặng Văn Hồng.

Nằm giáp ranh giữa hai huyện là khu vực Hoàng Hà bên cạnh hồ Noong Thăng vào mùa khô gió thổi ngàn ngạt suốt đêm ngày, cây cỏ tơ tướp khô xác vì gió. Một vùng đất mênh mông nhưng lưa thưa một vài nóc nhà của người dân địa phương dựng lên để làm nương.

Năm 1990 Đặng Văn Hồng khi đó mới 12 tuổi theo bố mẹ lên Pắc Ta xây dựng vùng kinh tế mới. Hóa ra anh là người Vân Nam đồng hương huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây nay là Hà Nội với tôi. Vì thế anh chẳng ngần ngại trải lòng khi liều mình với “canh bạc” trồng chuối.

Anh kể: Trước đây gia đình tôi ở khu vực Hoàng Hà, sau tụt xuống bản Pắc Ta làm nghề kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng nghĩa là làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền.

Cuối năm 2019 một doanh nghiệp trồng chuối ở Lào Cai tới Pắc Ta thuê đất trồng chuối, do họ ở xa khó quản lý nên đã nhượng lại toàn bộ dự án trồng chuối cấy mô xuất khẩu với diện tích 17,6 ha cho gia đình tôi…

Một nông dân thuần chất, chỉ quen với cây lúa cây ngô lại dám lao vào trồng chuối xuất khẩu, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với anh. Có người bảo: Trồng chuối ở đây chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ…

Người đánh bạc với cây chuối trên vùng đất gió - Ảnh 2.

Đặng Văn Hồng đang kiểm tra mức độ sinh trưởng của cây chuối.

Pắc Ta là vùng đất gió, mùa đông năm kia một gia đình ở khu vực Hoàng Hà trồng mấy trăm gốc chuối bị sương muối lá táp chết rục không còn một cây.

Anh Hồng có biết gia đình đó, nhưng khu vực Hoàng Hà có tiểu vùng khí hậu khác với khu vực Pắc Lý và Phiêng Ban nơi anh đang triển khai dự án trồng chuối hiện nay.

Vùng đất nằm trên ngọn nguồn dòng suối Hố Mít, một chi lưu lớn của dòng Nậm Mu bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên, nơi đây là vùng núi kín, ít gió, mùa đông khá ấm, nhất là mấy chục năm mới có một trận sương muối. Vì thế anh không quá lo khi đã bỏ ra mấy tỷ đồng cho gần 20 ha chuối.

Bây giờ thì anh đã ngồi trên lưng hổ rồi, một canh bạc lớn của đời anh, một nông dân chân chỉ hạt bột với khát vọng muốn đổi thay một vùng đất không thể quẩn quanh với cây lúa, cây ngô.

Mai Văn Sáng, thuộc thế hệ 8X mới được được điều xuống Pắc Ta làm bí thư mấy tháng nay nên cũng không khỏi lo lắng khi triển khai dự án trồng chuối mô xuất khẩu tại đây.

Anh hăm hở dẫn tôi lên núi, thành thật: Kể từ khi dự án triển khai, chính quyền địa phương ai cũng xắn tay vào đồng hành cùng doanh nghiệp từ chuyện thuyết phục người dân cho thuê đất và làm thế nào để họ tin dự án thành công, từ đó trở thành mô hình cho mọi gia đình làm theo, biến vùng đất gió thành vùng đất trù phú…

Người đánh bạc với cây chuối trên vùng đất gió - Ảnh 3.

Anh Hồng trao đổi với người lao động về cách chăm sóc chuối.

Anh nhớ vanh vách ngày đưa cây chuối mô ra đồng là ngày 5/4, đến ngày 27/4 thì một trận mưa đá dữ dội trút xuống, một cú đánh đầu tiên của thiên nhiên giáng xuống cánh đồng chuối mới trồng còn bấy bớt cao hơn một gang tay.

Thỉnh thoảng anh lại lọ mọ một mình phóng xe máy lên xem vườn chuối như của chính mình. Vì thế, có người ngờ rằng anh có “cổ phần” ở đây.

Anh bảo: Chính quyền phải thật sự lo lắng với người dân và doanh nghiệp, nhất là mời gọi được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì vô cùng khó khăn, vì rủi ro rất cao. Nếu cứ để họ tự bơi thì họ không biết bấu víu vào đâu. Sự thành công của doanh nghiệp và người dân chính là thành công của đảng bộ và chính quyền địa phương…

Người đánh bạc với cây chuối trên vùng đất gió - Ảnh 4.

Vợ chồng Lù Seo Tỉnh đang làm cỏ cho chuối.

Nhớ lại trận mưa chiều 27/4 gương mặt Đặng Văn Hồng trở nên thảng thốt, anh kể: Hôm ấy khoảng hơn 5 giờ chiều, tôi đang cùng với người dân chăm sóc cho cánh đồng chuối mới trồng thì một cơn mưa ập đến.

Trời xầm xì, gió thổi thốc tháo, mây đen cuồn cuộn từ trên ngọn nguồn dòng Hô Mít tràn xuống, những hạt mưa đá đầu tiên to bằng ngón tay rơi xuống mỗi lúc mỗi dày, có hạt to bằng ngón chân cái rơi xuống mái lán côm cốp như người ta ném đá.

Chỉ trong chốc lát cánh đồng chuối tơ tướp ngập trắng xóa trong đá lạnh. Nhìn cánh đồng chuối vừa mới nhoe lên được mấy lá to bằng bàn tay bị mưa đá vò cho nhàu nát lòng tôi quặn thắt, hồn vía thất lạc, muốn khóc mà không khóc được.

Tôi nhìn cánh đồng chuối thẫn thờ, thế là hết, bao nhiêu tiền bạc và công sức chỉ một trận mưa đá không đầy ba mươi phút trời đã cướp hết sạch rồi…

Người đánh bạc với cây chuối trên vùng đất gió - Ảnh 5.

Ma Văn Dùng và con trai vừa đi làm cỏ về.

Sau trận mưa đá đó gần 70% số chuối phải trồng lại, rất may giống cây trong vườn ươm vẫn còn không phải đi mua ở nơi khác, bây giờ nhìn cánh đồng chuối xanh tốt cao ngang thắt lưng lòng dạ Đặng Văn Hồng mới nguôi ngoai.

Anh bảo: Vẫn chưa biết thế nào đâu, các cụ bảo “Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả”, chỉ đến khi chuối xuất khẩu rồi, tiền đã vào túi mình thì mới tin, còn bây giờ vẫn phải cầu trời thương cho…

Làm thuê cho Hồng là 5 hộ dân với 10 lao động, 17,6 ha chuối được chia đều cho 5 hộ trồng và chăm sóc, họ là dân tộc Mông ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.

Lù Seo Tỉnh, sinh năm 1978, người dân tộc Mông ở thôn Nậm Dê cho tôi hay: Những năm trước mình sang Trung Quốc làm thuê, cũng trồng chuối như thế này thôi.

Năm nay do dịch nên mình không sang đó làm nữa, ở nhà làm cho anh Hồng. Vợ chồng mình làm được 3 tháng rồi, nhận trồng và chăm sóc 5.820 gốc chuối, mỗi gốc được trả công 20.000đ cho đến lúc thu hoạch…

Người đánh bạc với cây chuối trên vùng đất gió - Ảnh 6.

Bí thư xã Pắc Ta Mai Văn Sáng (phải) trao đổi về bệnh của cây chuối.

Mai Văn Sáng nhẩm tính, còn khoảng 10 tháng nữa thì chuối được thu hoạch, khi đó tiền công của vợ chồng Tỉnh được trả khoảng 110 triệu, còn bây giờ vợ chồng Tỉnh được ứng mỗi tháng 3 triệu tiền ăn...

Tỉnh bảo: Gạo mình về nhà lấy, làm bên Trung Quốc mọi thứ đều phải mua nên tiền mang về không được bao nhiêu đâu…

Gần lều của Lù Seo Tỉnh là lều của vợ chồng Ma Văn Dùng người cùng thôn Nậm Dê với Lù Seo Tỉnh. Dùng sinh năm 1982 nhưng đã có 5 con, những năm trước Dùng cũng sang Trung Quốc trồng chuối để có tiền nuôi con, từ tháng 4 năm nay thì làm thuê cho Đặng Văn Hồng.

Hai con của Dùng là Ma Phù Lìn học lớp 9 và Ma Thị Thủy học lớp 4 vừa được nghỉ hè thì tới giúp bố nhổ cỏ. Dùng cho biết vợ chồng anh nhận 5.700 gốc chuối, tháng nào anh cũng về nhà, còn làm thuê cho người Trung Quốc thì mấy tháng mới về một lần, lúc nhớ vợ con cũng không về được.

Tôi hỏi anh: Bây giờ có vợ về làm cùng thế này còn đẻ nữa không? Dùng lắc đầu: Cây chuối anh Hồng chỉ cho đẻ 2 con mình đã đẻ 5 con, ấy dô mệt quá rồi…

Theo tính toán, mỗi ha trồng chuối năm đầu cho thu từ 25- 30 tấn/ha, trừ tiền thuê đất 20 triệu/ha, tiền công lao động, giống phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tính ra mỗi ha lãi ròng khoảng 120 triệu. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào giá chuối, giá xuất khẩu cao thì lãi cao, còn giá thấp thì lãi vài chục triệu. Còn năm thứ hai lãi từ 200- 220 triệu/ha.

Đấy là chuyện “tính cua trong lỗ” thôi, canh bạc này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và thị trường. Hồng bảo: Bây giờ tôi đã ngồi lên lưng hổ rồi, không xuống được nữa, gần 3 tỷ đổ vào cánh đồng chuối, dù sao thì cũng phải có niềm tin vào cây chuối…

Thái Sinh