Người đàn ông ở Bình Định "chết trước 2 năm", vì xã nhầm lẫn(!)

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 28/03/2024 17:49 PM (GMT+7)
Do sao chép nhầm, người đàn ông ở huyện Tuy Phước (Bình Định) có thông tin trên hệ thống hộ tịch qua đời vào năm 2000, nhưng trên thực tế ông này qua đời năm 2002.
Bình luận 0

Ngày 28/3, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định) Nguyễn Minh Thiện thừa nhận, UBND xã này đã sao chép thông tin sai về năm mất của ông C.T (ở thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn) dẫn đến, thông tin trên hệ thống hộ tịch không chính xác, buộc phải chỉnh sửa.

Theo ông Nguyễn Minh Thiện, trường hợp của ông C.T (ở thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn), trong giấy chứng tử (bản gốc) mất năm 2002 và người khai tử là ông C.N.L (con trai ông T).

Giấy chứng tử (bản gốc) do UBND xã Phước Sơn giữ 1 bản, còn lại giao cho ông L. Tuy nhiên, ông L giữ giấy chứng tử mà không giao cho mẹ ruột của mình, là bà T.T.S.

Khi dự án đường ven biển đi qua trên mảnh đất của gia đình, liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, cần giấy chứng tử.

Lúc này, bà T.T.S (vợ ông C.T) mới đến UBND xã Phước Sơn yêu cầu, làm giấy chứng tử cho chồng mình. Tuy nhiên, cán bộ UBND xã cho biết, trường hợp này đã có giấy chứng tử rồi. Vì vậy, cán bộ xã đã in bản sao giấy chứng tử của ông T trên hệ thống hộ tịch, giao cho bà S.

Sau đó, gia đình bà S phát hiện bản sao giấy chứng tử này lại không chính xác về thông tin năm mất, của ông T.

Thực tế, ông T mất năm 2002 nhưng trong bản sao giấy chứng tử, lại ghi ông này mất vào năm 2000 (tức là mất trước 2 năm).

"Sau khi kiểm tra hồ sơ, trong giấy chứng tử bản gốc ghi ông T, mất năm 2002. Việc sai sót này, là do lỗi nhầm lẫn của người sao chép thông tin từ bản gốc sang sổ đăng ký khai tử của UBND xã (viết tay), bị nhầm lẫn năm mất của ông T, mất năm 2002 lại sao chép thành năm 2000", ông Thiện thừa nhận.

Người đàn ông ở Bình Định "chết trước 2 năm", vì xã nhầm lẫn(!)- Ảnh 1.

Đại diện UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã xin lỗi người dân vì thông tin nhầm lẫn. Ảnh: DT.

Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, người sao chép do UBND xã thuê 1 cán bộ từng công tác tại xã (vì cán bộ tư pháp của xã thời điểm đó, đã đột ngột qua đời vì bệnh). Nhưng khi chép tay từ bản gốc, sang sổ đăng ký khai tử của UBND xã, lại bị nhầm lẫn.

"Khi phát hiện thông tin bị sai, xã đã nhanh chóng sửa chữa lại thông tin trên hệ thống hộ tịch và gửi lời xin lỗi đến gia đình", ông Thiện nói.

Theo ông Lê Minh Phương - cán bộ tư pháp UBND xã Phước Sơn (nhận công tác tại UBND xã Phước Sơn vào năm 2021), thì vào năm 2010, địa phương triển khai dự án đo đạt đất đai để cấp sổ, bắt buộc những hộ gia đình nếu có người thân qua đời, phải có giấy chứng tử.

Vì vậy, năm 2010, người dân đến UBND xã để khai tử rất nhiều, xã này đã ký hơn 1.000 trường hợp.

UBND xã Phước Sơn đã thuê người, để sao chép thông tin từ giấy chứng tử (bản gốc) sang sổ đăng ký khai tử của UBND xã bằng hình thức viết tay, trường hợp của ông T bị sao chép nhầm năm mất.

Khi có chủ trương nhập tất dữ liệu hộ tịch lên hệ thống hộ tịch toàn huyện, UBND xã Phước Sơn đã tiến hành nhập thông tin từ sổ đăng ký khai tử, chứ không xem từng hồ sơ, vì mất rất nhiều thời gian.

"Khi phát hiện có sai sót, xã đã gửi yêu cầu, tiến hành sửa lại thông tin trên phần mềm hệ thống hộ tịch và cấp lại bản sao đúng với năm mất của ông T, là năm 2002", ông Phương cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem