dd/mm/yyyy

Ngư dân Quảng Nam đội mưa lạnh bắt loại ốc "nhà nghèo" nuôi con "nhà giàu"

Ốc ruốc được cho là "con nhà nghèo", còn tôm hùm được cho là "con nhà giàu". Ngư dân ngư dân đánh bắt loại ốc này để bán cho các trại nuôi tôm hùm khắp cả nước.

Những ngày gần đây, ngư dân ven biển TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành (Quảng Nam) lại tất bật chuẩn bị cho một mùa cào ốc ruốc (ốc gạo) mới. Bất chấp sóng đánh ầm ầm, trời mưa lạnh cắt da, những ngư dân liều mình mưu sinh giữa mùa biển động.

Ngư dân Quảng Nam đội mưa lạnh bắt loại ốc "nhà nghèo" nuôi con "nhà giàu" - Ảnh 1.

Những ngày này biển động mạnh, trời mưa lạnh nhưng người dân vẫn liều mình cào "lộc trời" (Ảnh: Ngô Linh).

Khoảng 4 giờ sáng, ông Trần Văn Tân (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ) và nhiều người khác đã có mặt tại bãi tắm Tam Thanh để bắt đầu cào ốc ruốc. Vài ngày nay biển động, sóng đánh dữ dội nên rất ít người tham gia, chủ yếu là đàn ông trai tráng có sức khỏe.

Dụng cụ hành nghề này khá đơn giản, gồm chiếc vợt cào ốc tự chế, bao tời, xô nhựa. Ông Tân mang theo chiếc vợt ra biển cách bờ khoảng 100m và bắt đầu cào. Ngày biển động mạnh ông chỉ cào được một xô, ngày "trúng mánh" thì được 4-5 xô, mỗi xô bán cho thương lái với giá khoảng 80.000 đồng, khoảng 20kg.

Mùa cào ốc bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đến tháng 3 năm sau. Nay mới vào mùa nên ốc còn nhỏ, thương lái thu mua về cung cấp làm thức ăn cho các hộ nuôi tôm hùm ở Phú Yên, Khánh Hòa. Sau Tết, ốc to người dân mua về chế biến món ăn nên giá bán cao hơn.

Ngư dân Quảng Nam đội mưa lạnh bắt loại ốc "nhà nghèo" nuôi con "nhà giàu" - Ảnh 2.

Dụng cụ hành nghề này khá đơn giản gồm chiếc vợt cào ốc tự chế, bao tời, xô nhựa... (Ảnh: Ngô Linh).

Thức dậy từ hơn 4 giờ sáng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ba (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) chạy xe máy đến bãi biển xã Tam Thanh để bắt đầu cào ốc ruốc. Khi thủy triều lên, sóng lớn cộng thêm trời rét, vợ chồng ông Ba dừng công việc, vác đồ nghề lên vai trở về nhà.

Công việc bắt đầu từ 5 giờ đến 8 giờ sáng thì kết thúc, mấy bữa nay sóng lớn nên chỉ có ông Ba đảm nhận việc dầm mình dưới nước cào ốc. Theo ông Ba, do ốc ở ven biển xã Tam Tiến chưa xuất hiện nhiều, vợ chồng ông phải lặn lội lên xã Tam Thanh để cào.

"Nghề này cực nhọc vì phải ngâm mình trong nước hàng giờ nhưng cho thu nhập khá hơn làm nông nghiệp. Mấy bữa nay sóng đánh mạnh nên cũng sợ lắm, phải dẫn theo vợ đi để canh chừng phía trên. Ngày khá thì được vài trăm, ít thì được gần trăm nghìn đồng", ông Ba nói.

Ngư dân Quảng Nam đội mưa lạnh bắt loại ốc "nhà nghèo" nuôi con "nhà giàu" - Ảnh 3.

Nhiều giờ ngâm dưới nước biển lạnh buốt, người dân mới cào được loại "đặc sản" này (Ảnh: Ngô Linh).

Khi được chúng tôi hỏi ốc nhỏ vậy sao không để lớn rồi hãy thu hoạch? Những ngư dân ở đây chia sẻ, ốc về dày đặc ven biển phải cào bớt để có không gian cho ốc sinh trưởng thêm.

Bà Nguyễn Thị Tám (thương lái thu mua ốc ruốc) cho biết: "Ngày nhiều thì tôi thu được vài chục xô ốc, ít thì chỉ vài xô. Sau khi thu mua thì bán lại cho các trại nuôi tôm hùm. Đây cũng xem như "lộc trời" cho ngư dân mùa này, ngày biển êm tôi cũng cùng chồng đánh bắt ven bờ, nay biển động chuyển qua thu mua ốc".

Ngư dân Quảng Nam đội mưa lạnh bắt loại ốc "nhà nghèo" nuôi con "nhà giàu" - Ảnh 4.

Ốc đầu mùa còn nhỏ, được bán cho các trại nuôi tôm hùm, thương lái thu mua tại chỗ với giá khoảng 80.000 đồng/xô chừng 20kg (Ảnh: Ngô Linh).

Ngư dân Quảng Nam đội mưa lạnh bắt loại ốc "nhà nghèo" nuôi con "nhà giàu" - Ảnh 5.

Những con ốc ruốc nhỏ bằng khuy áo, màu sắc sặc sỡ, thường có từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch (Ảnh: Ngô Linh).

Ngô Linh