Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 06:05 PM (GMT+7)
Nghị quyết 98 với kinh tế dịch vụ ven sông
2024-02-12 09:46:16
Mười hay mười lăm năm nữa, sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của thành phố mà sẽ trở thành con sông nổi tiếng trên thế giới…
"Nhưng đó là giả định chúng ta quy hoạch đúng và làm tốt quy hoạch đó để khơi thông dòng chảy, đánh thức những tiềm năng sẵn có của dòng sông mà bao năm qua vì lý do gì đó vẫn còn ngủ quên", TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM, năm 2023 - 2024. Theo đó, TP.HCM sẽ rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dọc sông Sài Gòn trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông. Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu ý tưởng điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển xây dựng hạ tầng xanh, định hướng giao thông như bến bãi, hạ tầng kỹ thuật, cầu kết nối,... và khai thác có hiệu quả giá trị quỹ đất dọc bờ sông. Vấn đề khuyến khích nhà đầu tư ưu tiên triển khai các hạng mục công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, công viên… tại dải hành lang dọc sông Sài Gòn cũng đã được đặt ra.
Theo TS Trần Ngọc Chính, sông Sài Gòn là cảnh quan đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho TP.HCM nhưng các nghiên cứu quy hoạch để phát triển không gian đô thị ven bờ sông này đang rất mờ nhạt. So sánh với Đà Nẵng, sông Hàn chảy qua trung tâm thành phố khoảng 7km, song được khai thác rất tốt, bao gồm cả không gian đô thị ven bờ cùng những cầu bắc ngang. Điều này giúp Đà Nẵng mang thương hiệu là "thành phố của những cây cầu". Trên thế giới nhiều sông như Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), Thames (Anh)... không có vị trí đẹp như Sài Gòn nhưng được tận dụng và phát triển rất tốt, trở thành cảnh quan nổi tiếng.
Với chiều dài 80 km băng ngang qua TP.HCM, ông Chính cho rằng trước mắt có thể tập trung phát triển trước 15 - 20 km. Đặc biệt là đoạn qua khu đô thị Thủ Thiêm và bán đảo Thanh Đa - Bình Quới, bởi đây được ví như "hòn ngọc" của thành phố. "Nếu quy hoạch đúng và làm tốt quy hoạch đó để khơi thông dòng chảy, đánh thức những tiềm năng sẵn có của dòng sông, 10 - 15 năm nữa, sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của thành phố mà sẽ trở thành con sông nổi tiếng trên thế giới…", ông Chính tin tưởng.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Nghị quyết 24 và 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội vừa thông qua đều đặt TP.HCM ở vị trí quan trọng tại vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng tới một trung tâm có năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung cần thể hiện rõ phát triển theo những định hướng trên.
Thành phố sẽ tập trung phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, các trung tâm mới cần có lộ trình phát triển nhưng tiên quyết phải đầu tư hạ tầng, đặc biệt giao thông để kết nối đồng bộ. "Nếu cứ giữ đô thị hiện hữu như bây giờ mà không mạnh dạn bứt phá thì chúng ta vẫn sẽ phát triển theo kiểu vết dầu loang", ông Mãi nói và cho rằng, sắp tới thành phố sẽ xác định phương thức giao thông công cộng, không chỉ có metro mà tận dụng cả hệ thống kênh rạch để phát triển giao thông thủy.
Người đứng đầu TP.HCM cho biết, thành phố mong muốn xây dựng tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn từ khu vực trung tâm đến huyện Củ Chi nhằm khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn. Theo đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM, giai đoạn 2020 - 2045, khu vực bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
Thành phố xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông, bao gồm: Giao thông vận tải đường thủy; Du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; Du lịch đường thủy; Khách sạn, ẩm thực; Giải trí, du thuyền, thể thao; Các hệ sinh thái dịch vụ, kinh tế sáng tạo...
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhận định: "Chúng tôi xác định phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy bao gồm đường ngắn, đường trung và đường xa... Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng". Còn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, tuyến đường ven sông đang từng bước được rà soát để điều chỉnh quy hoạch nhằm đưa vào quy định chung của TP.HCM. Đồng thời các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Tây Ninh cũng đang triển khai song song. Các tỉnh đã thống nhất ý kiến cần có tuyến đường ven sông kết nối liên vùng, đặc biệt là đường ven sông Sài Gòn, dọc đường hai bên sông sẽ có bến thủy, hy vọng tái hiện cảnh quan trên bến dưới thuyền.
Bản giao hưởng của dòng sông
Quy hoạch sông Sài Gòn, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nên là một bản giao hưởng đầy đủ cung bậc cảm xúc. Bản nhạc đó có đoạn sôi động, có đoạn du dương, có đoạn tĩnh lặng. Và một bản giao hưởng tuyệt vời không thể thiếu vai trò của một người nhạc trưởng.