Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 02:37 PM (GMT+7)

Giữ lại "Thành phố trong rừng"

2024-02-10 11:00:00

Cần Giờ có thể trở thành cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thế giới. Với hệ thống cảng trung chuyển cấp vùng và tổ hợp các doanh nghiệp làm trong ngành hàng hải, Cần Giờ sẽ tạo nên hệ sinh thái năng động trong lĩnh vực cảng và logistics Việt Nam.

Giữ lại "Thành phố trong rừng"- Ảnh 1.

Phát triển kinh tế biển với trọng tâm là kinh tế du lịch xanh sẽ là hướng phát triển chiến lược của Cần Giờ. Ảnh minh họa (Khánh An)

Cần Giờ là huyện ngoại thành ven biển duy nhất của TP.HCM, có diện tích tự nhiên 70.445 ha và dân số 76.060 người, với 6 xã và 1 thị trấn, có hệ sinh thái rừng ngập mặn được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với đa dạng loài động thực vật, có nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Báu vật xanh

Với đường bờ biển dài 23km từ vịnh Đồng Tranh sang vịnh Gành Rái, việc quan trọng là phát huy lợi thế của rừng và biển để xây dựng Cần Giờ xanh - hướng đến đô thị sinh thái ven biển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

"Cả Cần Giờ là rừng và mọi đời sống ở đó cũng là rừng nếu nhìn trên tổng thể, như vậy mới giữ được rừng tự nhiên"

Tiến sĩ Trần Du Lịch

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI), hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ chiếm tới 11,16% tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước và có tính đa dạng sinh học cao. Hệ sinh thái này được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của ba con sông: Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ.

Theo ông Lương, TP.HCM là một nơi hiếm hoi có một khu đất ngập nước (wetland) tự nhiên nằm ngay trong thành phố, trở thành một biểu tượng về sự phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước cho Việt Nam và thế giới. Cả nước có 28 tỉnh và thành phố ven biển. Trong đó, chỉ TP.HCM có một khu rừng ngập mặn phòng hộ ven biển nằm trong thành phố.

Rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ tạo mảng xanh đô thị, cảnh quan thiên nhiên, trở thành "lá phổi xanh" cho TP.HCM và các đô thị xung quanh, mà còn góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng, chống xói lở bờ biển… "Kinh tế biển với trọng tâm là kinh tế du lịch xanh sẽ là hướng phát triển chiến lược của Cần Giờ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, góp phần để Cần Giờ thực sự trở thành "báu vật xanh" của TP.HCM và là hình mẫu tiêu biểu cho nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng ven biển của Việt Nam", PGS.TS Phạm Trung Lương dự báo.

"Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố"

Ngày 18/7/2023, sau khi chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ, nghe báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ và dự án Khu đô thị lấn biển.

Giữ lại "Thành phố trong rừng"- Ảnh 2.

Phác thảo quy hoạch xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển hạ tầng Cần Giờ trước, biến Cần Giờ thành "thành phố trong rừng, rừng trong thành phố". "Cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, tuy nhiên không cạnh tranh với cảng Cái Mép - Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng tin tưởng, Cần Giờ là một địa phương giàu tiềm năng trở thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TP.HCM và cả vùng Đông Nam bộ.

Theo tính toán, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được kỳ vọng sẽ thay da đổi thịt huyện ven biển này. Trong đó, cảng Cần Giờ dự kiến tạo ra 8.000 việc làm, còn khu đô thị lấn biển sẽ thu hút gần 300.000 người đến sinh sống - gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, và 9 triệu du khách mỗi năm - bằng 1/3 số khách đến thành phố hiện tại. Dự án khu đô thị đã được Chính phủ phê duyệt, TP.HCM đang thẩm định, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, còn cảng Cần Giờ mới ở bước lập đề án, xin bổ sung quy hoạch.

TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết, bài toán đặt ra là phát triển đô thị nhưng phải bảo tồn hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển được đặt ra và rộng hơn là sự phát triển đồng bộ và toàn diện của vùng Cần Giờ, bao gồm yêu cầu bảo tồn sinh thái, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bao gồm sinh kế người dân và xây dựng đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng.

Nhiều ý tưởng đã đưa ra về một Cần Giờ "5 xanh" bao gồm công nghiệp xanh, dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh - sạch - hữu cơ, đô thị xanh và giao thông xanh. TS Trần Du Lịch đánh giá cao những ý tưởng xanh này. Ông nhấn mạnh, cả Cần Giờ là rừng và mọi đời sống ở đó cũng là rừng nếu nhìn trên tổng thể, như vậy mới giữ được rừng tự nhiên và phát triển "du lịch xanh".

Dự án đang được dư luận quan tâm nhất bởi mục tiêu phát triển Cần Giờ "5 xanh" là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đề án này được trình lên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đặt mục tiêu nơi đây trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới với công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu Teu. Đồng thời, đề án cũng định hướng phát triển cảng này theo cách đồng bộ, hiện đại; sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Khánh An
Cảng quốc tế, siêu dự án lấn biển và cầu Cần Giờ liệu có đủ sức thổi bất động sản Cần Giờ nóng trở lại?

Cảng quốc tế, siêu dự án lấn biển và cầu Cần Giờ liệu có đủ sức thổi bất động sản Cần Giờ nóng trở lại?

Các thông tin về siêu dự án lấn biển, dự án cầu Cần Giờ và cảng trung chuyển Cần Giờ đang tạo động lực giúp thị trường bất động sản ở huyện đảo này ấm lên, dù chưa thực sự rõ ràng.