Mỹ tăng nhập tôm giữa bủa vây thuế quan: Tín hiệu tích cực liệu có bền vững?

Kim Thu (Vasep)

15/07/2025 20:13 GMT +7

Trong 5 tháng đầu năm 2025, Mỹ nhập khẩu 340.955 tấn tôm, trị giá 2,84 tỷ USD, tăng lần lượt 15% và 24% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp Mỹ tăng lượng tôm nhập khẩu bất chấp những bất ổn về chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Từ ngày 5/4/2025, mức thuế đối ứng 10% được áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết các nước, trong đó có tôm. Dù vậy, tôm nhập khẩu vào Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong tháng 4 với mức tăng tới 38% về khối lượng và 47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, vào tháng 5, dù tốc độ tăng đã chậm lại (+2% khối lượng, +11% giá trị), Mỹ vẫn nhập tới 65.044 tấn tôm, đạt kim ngạch 538 triệu USD.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đã tranh thủ xuất hàng ồ ạt trước thời điểm 9/7 – khi mức thuế bổ sung theo từng quốc gia (từ 20–36%) dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực. Riêng với Việt Nam, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội ngày 2 tháng 7 rằng hàng hóa của Việt Nam sẽ vào Hoa Kỳ theo mức thuế suất 20%, mặc dù các mặt hàng trung chuyển sẽ bị đánh thuế ở mức 40%. Dù hiện chưa có văn bản chính thức từ chính phủ Mỹ.

Cơ cấu sản phẩm nhập khẩu: tôm bóc vỏ giữ vai trò chủ lực

Tôm đông lạnh bóc vỏ tiếp tục dẫn đầu các sản phẩm được Mỹ ưa chuộng với tổng nhập khẩu đạt 173.209 tấn trong 5 tháng, tăng 21%. Riêng tháng 5 đạt 35.357 tấn (+13%). Trong khi đó, tôm nguyên vỏ có diễn biến thất thường: sau khi bật tăng mạnh trong tháng 4 (+52%), đã quay đầu giảm 12% trong tháng 5, chỉ còn 15.960 tấn. Tôm nấu chín và ướp đạt 51.138 tấn (+25%), nhưng tăng trưởng tháng 5 chững lại đáng kể (+3%). Tôm tẩm bột nhập khẩu cũng gặp khó, giảm 15% trong tháng 5.

Xu hướng này phản ánh sự chuẩn bị hàng từ các nước xuất khẩu để né thuế, đồng thời cho thấy sự cẩn trọng của nhà nhập khẩu Mỹ trước các biến động giá và chính sách.

Ấn Độ và Ecuador chiếm ưu thế

Theo cập nhật dữ liệu thủy sản của Mỹ, Ấn Độ giữ vững vị trí dẫn đầu, xuất khẩu 133.257 tấn trong 5 tháng (+21%). Ecuador đứng thứ hai với 95.133 tấn (+11%). Indonesia, dù giảm 21% trong tháng 5, vẫn đạt tăng trưởng 9% tính chung cả 5 tháng. Trái lại, Việt Nam chỉ đạt 21.140 tấn (+4%), trong đó tháng 5 giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, về giá trị, Việt Nam lại cho thấy sự tăng trưởng tốt. Giá trung bình tôm Việt Nam tại Mỹ tháng 5 đạt 5,10 USD/pound – mức cao nhất trong nhóm các nước cung cấp chính, phản ánh chất lượng và định vị cao cấp của tôm Việt.

Ba mối đe dọa thuế quan đang cùng lúc “phủ bóng” lên tôm Việt Nam

Thuế đối ứng: nếu mức 20% được chính thức áp dụng, con số thuế mà tôm Việt phải gánh sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái

Thuế chống bán phá giá (AD): Theo công bố sơ bộ ngày 6/6 của DOC, mức thuế AD trong kỳ POR19 lên tới hơn 35% cho doanh nghiệp bị đơn bắt buộc. Dù đây mới là mức sơ bộ, nhưng cũng gây chấn động trong ngành. Các doanh nghiệp buộc phải trích dự phòng doanh số xuất khẩu sang Mỹ.

Thuế chống trợ cấp (CVD): dự kiến kết quả kỳ POR1 sẽ công bố vào cuối năm 2025

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm cũng khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh.

Với ba “lưỡi kiếm” thuế quan cùng lúc treo lơ lửng, cộng thêm bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định, xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ đang đối diện với nhiều áp lực chưa từng có. Doanh nghiệp buộc phải cải thiện nội lực: chủ động vùng nuôi, kiểm soát chất lượng, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro. Một số doanh nghiệp như FMC đã có sự chuẩn bị trước thông qua việc trích lập dự phòng, điều chỉnh thị trường tiêu thụ, tối ưu quy trình nuôi…

Tuy nhiên, triển vọng nửa cuối năm 2025 vẫn phụ thuộc lớn vào kết quả đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như khả năng DOC điều chỉnh mức thuế trong phán quyết cuối cùng. Nếu mức thuế được giữ ở mức “ổn thỏa”, cơ hội để giữ vững thị phần vẫn còn.

Mỹ vẫn là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam – không chỉ vì quy mô mà còn bởi giá trị đơn hàng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị - thương mại nhiều biến động, chiến lược thích ứng linh hoạt, minh bạch và chủ động kiểm soát rủi ro sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt vượt qua thử thách, giữ được chỗ đứng trên sân chơi này.

Thủy sản Việt và “cuộc hẹn” chuyển đổi Xanh

Thủy sản Việt và “cuộc hẹn” chuyển đổi Xanh

Hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (8/6) và chiến dịch “Cùng hành động vì biển xanh”, ngày 7/6, tại TP Nha Trang, hơn 150 đại diện doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý và ngư dân đã tham gia Hội thảo “Phát triển bền vững ngành Thủy sản” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Quỹ Vì tương lai xanh – Tập đoàn Vingroup tổ chức.

Xuất khẩu một loại thủy sản Việt Nam vượt mốc 100 triệu USD trong 4 tháng đầu năm

Xuất khẩu một loại thủy sản Việt Nam vượt mốc 100 triệu USD trong 4 tháng đầu năm

Tháng 4/2025, xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ với giá trị đạt gần 29 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 109 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản tháng 5/2025 tăng chậm lại: Tác động từ thuế quan Hoa Kỳ

Xuất khẩu thủy sản tháng 5/2025 tăng chậm lại: Tác động từ thuế quan Hoa Kỳ

Sau những tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 5/2025 đã có dấu hiệu chững lại khi chỉ đạt 851 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm. Tuy vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch vẫn đạt 4,2 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ 2024 – phản ánh nỗ lực vượt khó của toàn ngành trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, đặc biệt là ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ.

Xuất khẩu thủy sản chậm lại trong tháng 5/2025, doanh nghiệp thận trọng trước tác động từ thuế quan Mỹ

Xuất khẩu thủy sản chậm lại trong tháng 5/2025, doanh nghiệp thận trọng trước tác động từ thuế quan Mỹ

Dữ liệu Vasep cho biết, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại trong tháng 5/2025 với mức tăng 2,7% so với cùng kỳ, khi doanh nghiệp bắt đầu dè chừng trước rủi ro thuế Mỹ. Trong đó, tôm là một trong những mặt hàng duy trì đà tăng, cá tra và cá ngừ giảm mạnh.