dd/mm/yyyy

Mưu sinh ven biển - Bài 2: “Đó là duyên, bởi ai đã đi biển rồi thì khó bỏ nghề lắm"

Biết hiểm nguy, có lo sợ nhưng vì mưu sinh họ phải bám biển, gắn liền với biển. Giữa những lão ngư và biển như có sợi dây vô hình gắn chặt với nhau không thể tách rời. Dù biển có khốc liệt đến đâu, họ vẫn bám biển, ấp ủ ước mơ một ngày được vươn khơi.

Ông Năm Sến là một trong những trường hợp đó. Ở cái tuổi 54, ông Sến có hơn 30 năm gắn bó với biển, không chỉ vùng biển Cà Mau mà cả Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh… Ông kể, ngày xưa, khi còn trẻ đủ sức khoẻ đi bạn (làm ngư phủ) trên các tàu khai thác xa bờ dọc các vùng biển, kể cả vùng biển miền Trung.

Lang bạt trên các tàu khai thác gần 10 năm, bản thân ông Sến không biết đã đi bao nhiêu tàu và qua bao nhiêu vùng biển trên dọc dài đất nước. Đến khi lập gia đình, có thời ông ngưng đi biển, chuyển lên bờ với mong ước có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian thử thách qua nhiều ngành nghề, ông Sến lại trở về với biển cho đến nay. Chỉ khác trước là không theo các tàu khai thác mà ông chọn nghề lưới cá gần bờ để mưu sinh.

Khi hỏi ông nghề biển và các nghề khác đã từng làm qua, nghề nào khoẻ hơn, ông Năm Sến vẫn với vẻ mặt thản nhiên và lạc quan trả lời: "Nghề nào cũng có vui, buồn, sướng, khổ riêng, nhiều người cho nghề biển của anh em chúng tôi nhọc nhằn và nguy hiểm. Đúng là như vậy, nhưng nó lại có những niềm vui riêng. Mỗi khi kéo lưới lên khỏi mặt biển thấy cá tôm dính đầy mắt lưới cảm giác rất khó tả". 

Cắt lời ông Năm Sến, ông Bảy Tòng (Trần Văn Tòng), người có hơn 20 gắn bó với các vùng biển ven bờ, chia sẻ: “Đó là duyên, bởi ai đã đi biển rồi thì khó bỏ nghề lắm". Cũng như ông Năm Sến, ông Bảy Tòng có thời gian chuyển lên bờ để đi Bình Dương làm công nhân, rồi thợ hồ…, nhưng chỉ được vài năm lại trở về với biển. “Giờ đây, 1 tuần không ra biển là đã thấy nhớ, nhớ cảm giác nặng trĩu khi kéo lưới, nhớ cả mùi tanh nồng của cá, tôm và cảm giác muối biển bám da thịt", ông Bảy Tòng bày tỏ.

Mưu sinh ven biển - Bài 2: “Đó là duyên, bởi ai đã đi biển rồi thì khó bỏ nghề lắm" - Ảnh 1.

Nhiều ngư dân dùng phương tiện thuỷ nội địa để khai thác ven bờ bằng nghề lưới, lú.

Chưa kịp thăm hỏi được nhiều, những chiếc vỏ đã đồng loạt nổ máy quay đầu ra biển, hướng về khu vực mọi người đang thả lưới lúc sáng để thu hoạch thành quả. Vẻ mặt ai cũng háo hức, tràn đầy hy vọng, hàng ngàn mét lưới ngoài kia đã dính đầy cá tôm đang chờ mọi người thu hoạch.

Từ biệt ông Năm Sến, ông Bảy Tòng, tôi tìm đến cửa biển vàm Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời nhưng không sao quên được hình ảnh 2 người đàn ông rắn chắc, làn da rám nắng. Mong mọi người luôn được an toàn và các mẻ lưới mang về cho họ thật nhiều cá tôm như những gì mọi người mong đợi.

Người đầu tiên tôi gặp tại cửa biển vàm Ba Tỉnh là người đàn ông trung niên có cái tên rất ấn tượng - Nguyễn Hoài Biển. Ở cái tuổi 39 nhưng anh có hơn 20 gắn bó với biển. Anh Biển tâm sự, lúc nhỏ thường nghe cha mẹ nói đặt tên Hoài Biển là để nhắc mọi người luôn nhớ ơn biển. Bởi lẽ, tất cả những gì chúng tôi có được hôm nay dù không bằng ai nhưng đều từ biển.

Đúng như cái tên mà cha mình đã đặt cho, khi mới lên 19-20 tuổi anh Biển bắt đầu theo chú, theo bác vượt sóng chinh phục biển. “Hành trình mưu sinh này không hề đơn giản, có lúc biển rất hào phóng, nhưng cũng có lúc vô cùng khắc nghiệt”, anh Biển tâm sự. Anh cho biết thêm, những năm trước có con nước chỉ cần 1 ngày ra biển có thể mang về thu nhập 15-20 triệu đồng, cũng có lúc đi về lỗ tiền dầu. Có lẽ đây chính là sức hút mà những người đã đi biển khó bỏ nghề.

Mưu sinh ven biển - Bài 2: “Đó là duyên, bởi ai đã đi biển rồi thì khó bỏ nghề lắm" - Ảnh 2.

Đa số phương tiện nhỏ, nhiều ngư dân khu vực Hương Mai chủ yếu hành nghề lưới, mỗi chuyến biển sáng đi chiều về.

“Đã đi biển rồi thì khó bỏ được nghề”, câu nói chân tình ấy làm tôi chợt nhớ đến trường hợp rất đặc biệt là ông Ba Thôn (Nguyễn Văn Thôn) mà tôi đã gặp trong lần đi công tác tại cửa biển Bồ Đề, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển. Khi ấy ông đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn ngày ngày cùng chiếc vỏ máy ra các vạt rừng ven biển để mưu sinh bằng nghề giăng lưới cá đối, cá chét... Tôi còn nhớ như in câu nói của ông Ba lúc ấy: “Tôi lớn tuổi nên mấy đứa con không cho đi biển nữa, nhưng ở nhà buồn quá, không chịu nổi nên cứ lén ra các vạt rừng gần nhà giăng "văn nghệ" vài chục mét lưới kiếm vài con cá đối, cá chét cho đỡ nhớ biển. Từ nhỏ tôi đã dựa vào biển để sống, giờ già cũng bám biển để kiếm niềm vui”.

Cửa Bồ Đề, nơi thông ra biển của con sông Cửa Lớn với một bên là ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông và một bên là ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, là cửa biển rộng và sâu. Nơi đây đã từng một thời phát triển, cửa biển sầm uất, ghe biển công suất lớn tập trung đông đúc, làng cá cũng được hình thành. Tuy nhiên, thời kỳ sung túc ấy kéo dài không lâu. Do hạ tầng đường bộ và các dịch vụ hậu cần nghề cá còn quá hạn chế nên từ phương tiện lớn chuyển dần thành các tàu khai thác nhỏ ven bờ. Nghề khai thác tại cửa Bồ Đề hôm nay vẫn là lưới cá khoai, cá úc, đăng giống…

Mấy mươi năm gắn bó với vùng biển này, anh Thạch Văn Đen cho biết, chi phí cho một chuyến biển ở đây khá cao so với những nơi khác, từ tiền dầu cho đến nước đá, trong khi sản phẩm người dân khai thác được có giá thấp hơn nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến nghề khai thác của người dân mỗi ngày một thu hẹp, phương tiện mỗi lúc một nhỏ dần. “Dù tàu có nhỏ hơn, khai thác kém hiệu quả hơn trước kia nhưng bà con vẫn quyết tâm bám biển và 7 anh em trong gia đình tôi cũng sống dựa vào biển”, anh Đen bộc bạch.

Có lẽ, đối với những người như ông Ba Thôn, Năm Sến… giờ đây một ngày bắt được bao nhiêu cá, tôm không còn quan trọng, quan trọng hơn hết là được hoà mình với biển, tận hưởng niềm vui lao động trên biển. Biển giờ đây không còn là nơi để mưu sinh, mà là cuộc đời họ./.

Song Nguyễn