dd/mm/yyyy

Mường Ảng: Nông dân được “dạy nghề cũ với kỹ năng mới”

Cũng cách chăn nuôi, sản xuất như trước đây, nhưng bây giờ nhiều nông dân của huyện Mường Ảng (Điện Biên) đã áp dụng khoa học kỹ thuật. Năng xuất cây trồng, vật nuôi tăng cao trên cùng diện tích đất canh tác. Có được kết quả như vậy chính là nhờ nông dân được đào tạo nghề, có thêm kiến thức trong sản xuất.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mường Ảng, không chạy theo số lượng

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: "Công tác đào tạo nghề đã tạo động lực để nông dân trong huyện phát triển chăn nuôi, sản xuất. Nông dân có thêm kiến thức để phát triển kinh tế. Cũng diện tích đất canh tác, nhưng sản xuất của người đã qua đào tạo nghề nó khác với cách làm nông nghiệp thuần túy của nông dân. Vì thế huyện đã chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho nông dân không được chạy theo bệnh thành tích mà phải lấy chất lượng. Ví dụ năm nay anh đào tạo nghề cho 500 nông dân, nhưng chỉ có 100 nông dân áp dụng nghề được đào tạo vào cuộc sống. Đào tạo như thế thì "vứt đi" tốn tiền ngân sách. Thay vì đào tạo nghề cho nhiều nông dân thì chúng tôi chú trọng đến chất lượng cũng như nghề được đào tạo. Nông dân được dạy nghề xong, phải áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh có hiệu quả như thế mới đảm bảo nâng cao cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo".

Mường Ảng: Nông dân được “dạy nghề cũ với kỹ năng mới” - Ảnh 1.

Cũng là chăn nuôi gia cầm, nhưng nông dân Mường Ảng được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, nắm bắt được chu kỳ sinh trưởng, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh Vinh Duy.

Đúng như lời ông Bí thư Huyện ủy, Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ. Hàng năm, huyện Mường Ảng đều triển khai thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn. Để đạt hiệu quả, cán bộ của các đơn vị được giao đào tạo nghề đã đến từng thôn bản, khảo sát nhu cầu thực tế của nông dân. Từ đó lên kế hoạch để sắp sếp, bố trí đào tạo nghề cho phù hợp.

Việc khảo sát được thực hiện từ các bản, tổ dân phố, tới từng hộ gia đình. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với nhiều hình thức: Tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, bản; đăng tin bài trên phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, phát tờ rơi... nhằm nâng cao nhận thức của lao động nông thôn về học nghề và tạo việc làm.

Trung bình mỗi năm huyện Mường Ảng đã mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nông dân được đào tạo về kỹ thuật nuôi phòng và trị bệnh cho lợn, gia cầm hay trồng và sản xuất rau an toàn. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất thu nhập cao.

Mường Ảng: Nông dân được “dạy nghề cũ với kỹ năng mới” - Ảnh 2.

Lớp đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn được triển khai lần đầu tại bản Giảng, xã Ẳng Cang đã khích lệ được lao động nông thôn tham gia. Ảnh Vinh Duy.

Nông dân Mường Ảng có thêm thu nhập, nâng cao đời sống

Tiêu biểu như lớp đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn được triển khai lần đầu tại bản Giảng, xã Ẳng Cang đã khích lệ được lao động nông thôn tham gia học tập nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng, làm thay đổi tư duy và đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến nay, mô hình trồng rau an toàn đã được triển khai nhân rộng đến 100% các xã trên địa bàn huyện. Mức thu nhập trung bình của các hộ sau học nghề trồng rau an toàn từ 2,5 - 5 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu như các hộ: Lò Thị Đoán, bản Co Hón, xã Xuân Lao; Quàng Văn Pâng, Quàng Văn Hương, bản Giảng, xã Ẳng Cang chuyên sản xuất cây rau vụ đông; sản lượng trung bình từ 2 - 5 tấn rau/hộ/năm, mang lại thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng/hộ/năm.

Mường Ảng: Nông dân được “dạy nghề cũ với kỹ năng mới” - Ảnh 3.

Gia đình chị Lò Thị Đoán, bản Co Hón, xã Xuân Lao, sau lớp đào tạo trồng rau an toàn đã mở rộng diện tích trồng rau cho thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. Ảnh Vinh Duy.

Chị Lò Thị Đoán, bản Co Hón, xã Xuân Lao chia sẻ: Qua lớp đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên triển khai trên địa bàn, chúng tôi đã biết đến kỹ thuật trồng rau không sử dụng các loại thuốc trừ sâu gây hại đến sức khỏe con người; kỹ thuật làm đất, chăm sóc cây rau theo từng giai đoạn, đặc biệt là việc chọn giống rau và thời điểm trồng theo đúng mùa vụ để mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, hầu như gia đình nào trong bản cũng có một vườn rau. Một số hộ trồng rau hàng hóa góp phần tăng thêm thu nhập. Gia đình tôi có trên 700m2 trồng rau theo vụ đã tạo thêm thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng.

Sau khi tham gia lớp học kỹ thuật nuôi, phòng và trị bệnh cho lợn, chị Lò Thị Vui, bản Cang, xã Ẳng Nưa đã ứng dụng vào thực tế chăn nuôi gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Lò Thị Vui cho biết: Năm 2022 tôi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho tham gia học nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn. Từ kiến thức được học tôi đã ứng dụng vào thực tế như: Tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; thực hiện tiêm phòng dịch định kỳ đầy đủ nên đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hiện tại gia đình đang nuôi 3 con lợn nái, 15 con lợn thương phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm.

Mường Ảng: Nông dân được “dạy nghề cũ với kỹ năng mới” - Ảnh 4.

Nông dân Mường Ảng tham gia lớp đào tạo trồng nấm rơm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Vinh Duy.

Theo ông Hoàng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng thì đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn được thực hiện theo nhu cầu của người dân nên chủ yếu là các lớp về kỹ thuật chăn nuôi, phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật sản xuất rau an toàn... Lao động sau khi học nghề đều tự tạo việc làm thông qua phát triển kinh tế hộ gia đình. Một số ít lao động học các nghề trồng chăm sóc cây cà phê được các doanh nghiệp, hộ gia đình thuê làm việc theo mùa vụ với mức lương trung bình 150.000 đồng/ngày, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.


Vinh Duy