Cà phê Mường Ảng - Tiềm năng và khát vọng vươn lên
Huyện Mường Ảng (Điện Biên) nằm ở độ cao trung bình khoảng 800 - 1.200 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ và ổn định, phù hợp cho cây cà phê, đặc biệt là các giống cà phê Arabica vốn yêu cầu khí hậu ôn hòa và độ cao.
Đất ở Mường Ảng chủ yếu là đất bazan và đất phù sa, có tính chất thoát nước tốt, độ phì nhiêu cao, giàu chất hữu cơ, phù hợp với cây cà phê. Đặc biệt, đất bazan chứa nhiều khoáng chất, giúp hạt cà phê có hương vị đậm đà và phong phú... Những điều kiện này giúp Mường Ảng trở thành một trong những vùng trồng cà phê có chất lượng hàng đầu, tương đương với một số vùng trồng cà phê nổi tiếng tại Tây Nguyên.
Nói về cây cà phê Mường Ảng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: "Cà phê được trồng trên đất Mường Ảng cách đây hơn 30 năm. Nhưng thời gian đó vì nhiều lý do khác nhau mà cây cà phê chưa được chú trọng phát triển. Từ năm 2010 trở lại đây, khi giá cà phê tăng cao, nhiều người dùng đánh giá cao chất lượng cà phê Mường Ảng, người dân mới trồng trở lại". Theo ông Đạt thì chất lượng và hương vị đặc trưng cà phê Arabica của Mường Ảng có hương thơm đặc trưng, vị chua thanh mượt mà và hậu ngọt dịu nhẹ, khác biệt so với cà phê Robusta của Tây Nguyên. Sự khác biệt này không chỉ đến từ giống cây mà còn do điều kiện tự nhiên riêng biệt, tạo nên một sản phẩm cà phê đặc sản mang nét đặc trưng của vùng núi phía Bắc.
Hiện nay huyện Mường Ảng đang phát triển thương hiệu và xuất khẩu cà phê, nhằm giới thiệu sản phẩm cà phê Mường Ảng đển bạn bè trong và ngoài nước. Sản phẩm cà phê của Mường Ảng từng bước được đánh giá cao, có tiềm năng xuất khẩu, nhất là khi xu hướng tiêu dùng hiện nay hướng tới các loại cà phê sạch, hữu cơ và có nguồn gốc rõ ràng.
Mường Ảng mở rộng diện tích cà phê - Hướng đi mới cho nông dân
Mường Ảng có diện tích trồng cà phê khá lớn, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng diện tích trồng cà phê của tỉnh Điện Biên. Sản lượng cà phê từ Mường Ảng ngày càng tăng, đóng góp vào sản lượng cà phê của tỉnh và từng bước củng cố vị trí của Điện Biên trên bản đồ cà phê Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy thì cây cà phê chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng của huyện Mường Ảng. Đóng vai trò là cây trồng chủ lực, giúp đa dạng hóa ngành nông nghiệp của huyện. Cà phê không chỉ là nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ gia đình mà còn tạo sự ổn định về kinh tế, góp phần vào quá trình phát triển nông nghiệp bền vững của huyện.
Hiệu quả kinh tế so với một số loại cây trồng khác, cây cà phê mang lại thu nhập cao hơn. Nhiều hộ dân đã thành công với mô hình trồng cà phê, đạt doanh thu cao và ổn định mỗi năm. Với mức giá ổn định trên thị trường, cây cà phê giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Chia sẻ với phóng viên, ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: "Để mở rộng diện tích trồng cà phê, giúp người lao động tăng thu nhập, huyện đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ và khuyến khích người dân trồng cà phê, nhằm đẩy mạnh sản lượng và chất lượng cà phê. Người dân cũng được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật trồng trọt, đặc biệt là các giống cây mới có năng suất cao và kháng bệnh tốt". Xã Ảng Cang và Ảng Nưa là hai xã tập trung diện tích trồng cà phê lớn nhất trong huyện. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tốt, các hộ dân tại đây tập trung trồng các giống Arabica chất lượng cao. Diện tích cà phê tại Ảng Nưa và Ảng Cang đã được mở rộng trong những năm gần đây và các xã này đóng vai trò chủ lực trong sản xuất cà phê của Mường Ảng. Ngoài ra, hai xã Búng Lao và Mường Lạn cũng có diện tích trồng cà phê tương đối lớn, đóng vai trò bổ trợ cho sản xuất cà phê trong huyện. Người dân ở đây đã bắt đầu áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến và tập trung vào sản xuất cà phê hữu cơ, mang lại chất lượng và giá trị cao hơn cho sản phẩm.
Theo ông Tô Trọng Thiện thì ngoài 4 xã trồng cà phê chủ lực của huyện thì một số khu vực khác trong huyện cũng đang mở rộng diện tích trồng cà phê nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Các chương trình hỗ trợ trồng trọt được triển khai tại đây giúp người dân làm quen với việc trồng cây cà phê, từ đó tạo động lực cho các xã này tăng trưởng sản lượng trong tương lai. Việc mở rộng trồng, sản xuất cà phê đặc sản Mường Ảng không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn chú trọng đến chất lượng cà phê, đặc biệt là các loại cà phê đặc sản có giá trị cao. Việc sản xuất cà phê đặc sản giúp nâng cao giá trị của cây cà phê, đồng thời góp phần quảng bá Mường Ảng như một điểm đến cà phê nổi bật tại miền núi phía Bắc.
Việc gia tăng nhu cầu cà phê giúp người dân Mường Ảng có động lực đầu tư lâu dài vào cây cà phê. Huyện Mường Ảng đã và đang xây dựng các mô hình trồng cà phê hữu cơ, bền vững để cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cao. Những mô hình này không chỉ tăng giá trị của sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh. Người dân tại Mường Ảng đang áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại như hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, canh tác hữu cơ và trồng cây che bóng để bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn giúp cây cà phê phát triển bền vững, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nông dân Mường Ảng vẫn kiên trì và nỗ lực với cây cà phê, coi đó như là "cây vàng" giúp cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Niềm đam mê và tinh thần vươn lên của họ là động lực mạnh mẽ, đồng thời cũng là minh chứng cho sự phát triển tiềm năng của ngành cà phê tại Mường Ảng.