Những năm qua, huyện Mộc Châu tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác; tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại địa bàn. Huyện đề ra các giải pháp cụ thể thiết thực, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong vùng quy hoạch đầu tư hoặc liên doanh, liên kết theo hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu: "Để đạt sản lượng và năng suất cao trong nông nghiệp, chúng tôi luôn đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị cao; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP.
Trong đó chúng tôi tập trung phát triển các vùng sản xuất, rau, chanh leo, cam, bưởi, chè an toàn. Sử dụng công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước cho vùng sản xuất rau, hoa trong nhà kính, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chúng tôi lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm trung tâm để thu thu hút các nguồn lực, phối hợp với các ngành, các tổ chức khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, có hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao".
Từ năm 2019 đến nay, Mộc Châu đã tổ chức hơn 200 lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân tham gia với các nội dung kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi, chương trình khí sinh học; kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá nuôi trong lồng; kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; mô hình sử dụng đệm lót sinh học cho gà, lợn; kỹ thuật nuôi lợn đực giống ngoại; tập huấn quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông lâm sản... Việc làm này đã giúp bà con nhân dân nâng cao nhận thức và tay nghề trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng nguồn thu nhập ổn định.
Ông Kim Văn Dũng, bản 83 (xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu), chia sẻ: "Nhờ sự quan tâm của huyện, tôi được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc và trồng trọt. Từ những kiến thức đã học được, tôi áp dụng vào 1 ha vườn rau cải bẹ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng rau không ngừng tăng cao. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lời hơn 120 triệu đồng".
Huyện Mộc Châu còn tập trung ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân nhanh các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng. Áp dụng quy trình thâm canh, siêu thâm canh, sản xuất an toàn. Huyện cũng ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản lạnh sau khi thu hoạch nông sản.
Xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực, như: Chanh leo, nhãn, mận, bơ, hồng giòn, cây ăn quả có múi,… với các quy trình công nghệ canh tác mới đã được các tổ chức, đơn vị chuyển giao rộng rãi cho nông dân trong huyện áp dụng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu cũng tập trung phát triển các vùng có lợi thế về một số lĩnh vực đã có công nghệ cao; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình ứng dụng công nghệ cao, như: Sản xuất chế biến chè, chăn nuôi bò thịt, lợn thịt, dê và gia cầm quy mô gia trại, trang trại; trồng cây dược liệu gừng, sa nhân, nghệ, Actisô, bạc hà, giảo cồ lam, xả... gắn với công nghiệp chế biến; sản xuất rau an toàn, sản xuất hoa, sản xuất quả an toàn.
Những kết quả trên cho thấy Mộc Châu đã và đang đi đúng hướng, trong đó nông dân tại các cơ sở đã năng động, sáng tạo trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, thông tin thêm: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ về nông nghiệp đến với bà con nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, đến các cán bộ công chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân về các quy định, các chính sách ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện trong tương lai".