dd/mm/yyyy

Mộc Châu đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Không chỉ dẫn đầu tỉnh Sơn La về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Mộc Châu còn là một trong những huyện đi đầu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Nhắc đến nông nghiệp Mộc Châu (Sơn La) không thể không nhắc đến chè và bò sữa. Những cánh đồng chè xanh bát ngát, những trang trại bò sữa lên đến cả trăm con đã và đang góp phần làm nên tên tuổi của cao nguyên Mộc Châu. Các sản phẩm: Chè, sữa các loại đã có thương hiệu từ nhiều năm nay, được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Thương hiệu chè, sữa gắn với tên tuổi của 2 doanh nghiệp lớn, đó là: Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu và Công ty VinaTea Mộc Châu.

Chè Mộc Châu nổi tiếng thơm ngon, được nhiều khách hàng lựa chọn

 Với dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến và nguồn nguyên liệu sữa bò sạch, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu đã cho “ra đời” nhiều sản phẩm sữa tươi thơm ngon, bổ dưỡng, tiệt trùng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Gắn liền với thương hiệu bò sữa Mộc Châu là đời sống, thu nhập của hàng trăm hộ dân của huyện Mộc Châu không ngừng cải thiện, nâng cao. Những hộ chăn nuôi bò sữa không chỉ làm chuồng trại hợp vệ sinh, mà còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. 100% các hộ chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu đã  sử dụng máy vắt sữa, thay vì vắt sữa bò bằng tay như trước đây.

 Nhiều nông dân ở Mộc Châu trở thành tỷ phú nhờ nuôi bò sữa

Việc xây hầm, bể chứa, xử lý chất thải của bò cũng được các hộ thực hiện khoa học, bài bản. Các hộ sử dụng hoàn toàn phân bò chăm bón cho đồng cỏ và lấy cỏ làm nguồn thức ăn chủ yếu cho  đàn bò sữa. Một phần phân bò được các hộ chăn nuôi bò sữa cung cấp cho người dân trong huyện làm phân bón cho rau màu, cây ăn quả.

Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính ở nước ngoài, vài năm trở lại đây, Vinatea Mộc Châu đã xây dựng các biện pháp quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu. Ngoài việc nghiêm cấm các hộ trồng chè không sử dụng thuốc trừ cỏ, Công ty Vinatea Mộc Châu còn vận động người dân sử dụng phân chuồng và các chế phẩm sinh học chăm bón vườn chè. Nhờ đó, hơn 200ha chè của Công ty đã được Quốc tế cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững Rainforest Alliance (RA). Công ty cũng đang từng bước áp dụng sản xuất vườn chè theo mô hình chè hữu cơ Organic, tưc là sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để bón cho chè.

 Mỗi năm, các hợp tác xã ở Mộc Châu xuất bán hàng trăm tấn rau ra thị trường ngoài huyện.

Không chỉ có chăn nuôi bò sữa, trồng chè theo hướng hữu cơ mà trong trồng rau màu, cây ăn quả, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên cao nguyên Mộc Châu cũng đã và đang làm theo hướng hữu cơ. Đi đầu trong sản xuất rau an toàn ở huyện Mộc Châu phải kể đến Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên, thuộc bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Từ mấy năm nay, hơn 20ha rau màu các loại được các thành viên Hợp tác xã trồng, chăm sóc theo quy trình kĩ thuật VietGAP. Sản phẩm rau sạch của hợp tác xã đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội trong vài năm trở lại đây.

 Thương hiệu chè Mộc Chẩu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Luyến – Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên, vui vẻ nói: “Mấy năm gần đây, các hộ thành viên của Hợp tác xã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh, sử dụng làm phân bón cho các loại rau, củ, quả. Các thành viên thực hiện luân canh giống cây trồng trên một đơn vị diện tích. Theo định hướng của huyện, Hợp tác xã đã và đang triển khai mô hình trồng rau, quả hữu cơ, với diện tích lên đến 5ha. Mô hình này thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng ra toàn hợp tác xã”.

Trao đổi với Trang trại Việt, ông Hà Trung Chiến – Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Mộc Châu là huyện triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp từ rất sớm. Trình độ nhận thức, canh tác của người dân các xã đã được nâng lên rất nhiều. Từ nhiều năm nay, bà con nông dân ở Mộc Châu, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

 Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ở Mộc Châu đã và đang thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Bà con nông dân và các hợp tác xã cũng đã nhận thức rõ, sau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thì phải sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Organic, tức là sản xuất theo hướng hữu cơ. Cách đây vài năm, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã xuất hiện các mô hình  sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã như: Công ty giống bò sữa Mộc Châu, Công ty Vinatea Mộc Châu, hợp tác xã An Thái, Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên, Hợp tác xã Mộc Châu xanh...

“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là chủ trương lớn, đúng đắn của Trung Ương, của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền, các hợp tác xã và người dân trên địa bàn huyện Mộc Châu nhận thức rất đúng về chủ trương này. Huyện Mộc Châu đang đẩy mạnh chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Quan điểm của huyện là triển khai đồng bộ cả ở những vùng tập trung thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã và cả ở các vùng nhỏ lẻ thông qua bà con nông dân” – ông Chiến nhấn mạnh.

Văn Chiến