Mô hình kinh tế nào phù hợp với xây dựng nông thôn mới

Mai Dung- Quỳnh Nga- Thuý Nga

28/04/2017 08:17 GMT +7

Kỳ Châu (Kỳ Anh) là địa phương “đất chật, người đông”, diện tích canh tác ít, nên khi triển khai nông thôn mới mỗi hộ gia đình đã mạnh dạn tìm cho mình một mô hình kinh tế phù hợp.

xây dựng nông thôn mới xã Kỳ Châu huyện Kỳ Anh đang phát triển mạnh kinh tế trang trạng tổng hợp
xây dựng nông thôn mới xã Kỳ Châu huyện Kỳ Anh đang phát triển mạnh kinh tế trang trạng tổng hợp

Tại mảnh vườn của gia đình ông Trần Xuân Hiếu và bà Lê Thị Trúc ở thôn Hiệu Châu (xã Kỳ Châu), đã tập trung xây dựng mô hình “cá- lúa- vịt”. Sau gần 6 năm phát triển mô hình, đến nay, gia đình ông Hiếu thường xuyên nuôi thả 1.500 con cá giống chủ yếu là trắm, mè, trôi, diêu hồng, nuôi 3 trăm con thuỷ cầm, gia cầm. Đồng thời mạnh dạn đưa vào gieo cấy 2 mẫu lúa chất lượng cao. Hiện nay, các loại cây, con nuôi tại mô hình gia trại của anh Trần Xuân Hiếu đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Không chỉ chăm chỉ, chịu khó, mạnh dạn đầu tư nguồn vốn mà nhờ biết kết hợp có hiệu quả lợi thế của mô hình “lúa, cá, vịt” nên đã tận dụng được tối đa nguồn thức ăn cho cá từ phân vịt và lúa chét. Từ đó giảm chi phí về thức ăn nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Điều đáng ghi nhận là trong quá trình chăn nuôi khi quy về một mối thì không những tận dụng được những vùng đất hoang hóa, đồi bãi mà công tác an toàn dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại và môi trường được đảm bảo.

Xây dựng nông thôn mới gia đình ông Trần Xuân Hiếu đã lựa chọn phát trển kinh tế với mô hình cá-lúa-vịt
Xây dựng nông thôn mới gia đình ông Trần Xuân Hiếu đã lựa chọn phát trển kinh tế với mô hình cá-lúa-vịt
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bao gồm nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị ở cơ sở và an ninh trật tự xã hội ở nông thôn

Để góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, mỗi người dân ở đây đều tìm cho mình một hướng đi cách làm phù hợp. Đối với gia đình chị Đặng Thị Thắm ở vùng giáo Châu Long thì tập trung mua máy móc, dây chuyền hiện đại để làm nghề bánh mướt. Nhờ việc tuân thủ nghiêm qui trình sản xuất bún, bánh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có chất phụ gia gây hại nên được khách hàng tin dùng. Bình quân mỗi ngày, gia đình chị chế biến từ 3-4 tạ gạo phục vụ khách hàng trong và ngoài xã. Mô hình làm bánh mướt của chị Thắm đã giải quyết công ăn việc làm cho 5 chị em có thu nhập ổn định.

Được sự hỗ trợ của đơn vị đỡ đầu là hội liên hiệp phụ nữ Tỉnh, hiện xã đã xây dựng được 20 mô hình chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỷ thuật, chủ động phòng trừ các loại dịch bệnh nên các mô hình chăn nuôi gà thương phẩm và gà mái đẻ trứng phát triển tốt, đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Gia đình chị Đặng Thị Thắm lại lựa chọn làm bánh mướt để hoàn thành tiêu chí thu nhập theo nông thôn mới
Gia đình chị Đặng Thị Thắm lại lựa chọn làm bánh mướt để hoàn thành tiêu chí thu nhập theo nông thôn mới


Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân là một trong những tiêu chí trọng tâm trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện xã Kỳ Châu đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tổng hợp. Tuy nhiên các mô hình kinh tế còn mang tính nhỏ lẻ, không mang tỉnh ổn định lâu dài ổn định bền vững, gía trị kinh tế mang lại chưa cao. Địa phương cần có những chủ trương, chính sách và bước đi phù hợp để phát huy thế mạnh của xã ven trung tâm thị trấn. Vì vậy, thời gian tới, Kỳ Châu cần phải có sự khâu nối chặt chẽ, phát huy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, HTX với doanh nghiệp. Cần tạo sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.