dd/mm/yyyy

Lý giải nguyên nhân giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa vẫn neo cao

Việc giá nhiều hàng hóa, dịch vụ chưa điều chỉnh theo giá xăng dầu được các doanh nghiệp lý giải là cần thêm thời gian để xem xét diễn biến của xăng dầu, chưa kể do đang phải sử dụng nguyên liệu đầu vào đắt nên chưa điều chỉnh ngay giá đầu ra...

Sau 3 lần điều chỉnh giá liên tiếp trong tháng 7/2022, xăng E5RON92 đã giảm 6.223 đồng/lít, xăng RON95 giảm 6.798 đồng/lít, dầu diesel giảm 5.162 đồng/lít, dầu hỏa giảm 3.538 đồng/lít, dầu mazut giảm 4.190 đồng/lít.

Doanh nghiệp nói lý do khó giảm giá hàng hóa, dịch vụ

Theo dự báo của Bộ Công Thương, bước sang quý IV/2022, giá thành phẩm xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt về 110-115 USD/thùng, giúp giảm giá bán lẻ trong nước đáng kể, về dưới 24.000 đồng một lít; dầu dao động 19.000-20.000 đồng/lít.

Lý giải nguyên nhân giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa vẫn neo cao - Ảnh 1.

Việc giảm giá hàng hóa theo giá xăng là vấn đề nan giải hiện nay.

Trong khi đó, để giảm thêm giá xăng dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2022. Như vậy, dư địa để kéo giảm giá xăng dầu trong thời gian tới là có.

Tuy nhiên, khảo sát thị trường cho thấy giá hàng hóa dường như vẫn đứng yên, trong đó có cước vận chuyển, vận tải. Đầu tháng 4 năm nay, Grab là hãng taxi công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước, với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại TP.Hà Nội, TP.HCM tăng từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng giá cước tối thiểu 2km đầu tiên; loại 7 chỗ từ 32.000 đồng lên 34.000 đồng giá cước tối thiểu 2km đầu tiên. Mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này là 10.000 đồng. Tuy nhiên, sau 3 lần giá xăng giảm liên tiếp, Grab vẫn chưa có động thái giảm giá cước vận tải.

Không chỉ các hãng taxi công nghệ mà dịch vụ taxi truyền thống cho biết chưa tính tới việc giảm giá cước vận chuyển. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho hay theo tính toán sơ bộ của doanh nghiệp, trải qua 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng được điều chỉnh tăng hơn 60%, trong khi biên độ giảm của xăng qua 3 lần điều chỉnh giá chỉ khoảng 23%. Trước biên độ tăng mạnh của giá xăng, các doanh nghiệp taxi mới chỉ điều chỉnh tăng giá cước với mức thấp từ 8-10%, vì vậy suy cho cùng các doanh nghiệp taxi vẫn chưa điều chỉnh giá cước đúng với biên độ tăng của xăng dầu.

Trong bối cảnh chi phí lương tối thiểu tăng mạnh, giá cả hàng hóa leo thang, ông Hùng cho hay các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đa phần các doanh nghiệp chưa có động thái về việc điều chỉnh giá cước, tiếp tục theo dõi diễn biến của xăng dầu trong kỳ điều hành tiếp theo.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội tiếp tục nhắc tới những khó khăn trong việc điều chỉnh giá cước như phải có văn bản giải trình tại sao điều chỉnh giá cước gửi tới cơ quan quản lý địa phương, tiến hành đăng kiểm đồng hồ kiểm định, phí đăng kiểm mỗi đồng hồ là 100 nghìn đồng/lần, bộ nhận diện niêm yết giá cước dán trên xe taxi rơi khoảng 30-45 nghìn đồng/bộ.

Điều chỉnh giá đúng với quy luật thị trường

Trong khi đó, đại diện nhiều siêu thị cũng cho biết chưa nhận được đề nghị giảm giá bán hàng hóa, thực phẩm của nhà cung cấp. Theo đó, phía các siêu thị sẽ sớm đề nghị các nhà cung cấp giảm giá bán thực phẩm ở mức hợp lý, đặc biệt là sản phẩm chịu ảnh hưởng từ xăng dầu.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, các doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu vào sản xuất với mức giá cao trước đó thì phải bán ra với giá cao, khi bán hết lô hàng này thì mới tính toán đàm phán giảm giá thu mua nguyên vật liệu, từ đó đưa ra giá bán giảm theo tác động từ mức giảm xăng dầu. Do đó, cần trên dưới 20-30 ngày để nhà sản xuất làm mới giá bán nếu giá xăng dầu giảm mạnh.

Lý giải nguyên nhân giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa vẫn neo cao - Ảnh 2.

Bà Chi cho rằng, ngoài giảm giá xăng dầu, điều cần thiết hiện nay là Nhà nước phải có thêm chính sách cho doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm như giảm thuế phí cho nguyên liệu, thức ăn nhập khẩu để kìm đà tăng chi phí đầu vào liên tục hiện nay, có chính sách vốn vay để doanh nghiệp tăng nguồn nguyên liệu, nguồn hàng dự trữ với mức giá tốt.

Trả lời PV về việc băn khoăn tại sao giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm mà giá thức ăn trong nước lại điều chỉnh tăng? Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết nguyên nhân là do các doanh nghiệp mua nguyên liệu từ mấy tháng trước - thời điểm giá cao. Nguyên liệu đầu vào mua đắt nên buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục điều chỉnh giá bán sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương nắm chắc diễn biến giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải được điều chỉnh đúng với quy luật thị trường.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ câu hỏi vì sao giá xăng dầu giảm nhưng giá cả nguyên liệu đầu vào, giá hàng hóa không giảm đã không ít lần được ông và một số đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ Công Thương tại các kỳ họp Quốc hội.

Về câu chuyện này, ông Ngân cho rằng thông thường khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá các loại hàng hóa khác vào tạo nên mặt bằng giá mới. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa còn đang nghi ngại liệu giá xăng có giảm ở mức bền vững không.

"Họ luôn đặt ra câu hỏi giả sử như giá xăng dầu giảm rồi lại tăng thì sao cho nên giá cả các loại nguyên liệu, hàng hóa vẫn được các nhà cung ứng nghe ngóng, cân nhắc", ông Ngân đề cập.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá (hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống), bao gồm giá xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục...

"Chúng ta cần tăng cường kiểm soát giá vì khi kiểm soát giá tốt thì thị trường sẽ tự điều chỉnh dần về mức hợp lý. Đây là việc làm khó vì vậy, cơ quan chức năng cần yêu cầu nhà cung cấp phải công bố, niêm yết giá công khai, minh bạch. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận với khách hàng, xây dựng thương hiệu tin cậy để phát triển bền vững", ông Ngân nói.



Nhật Linh