Sắn là loại cây quen thuộc được trồng để lấy củ ở các tỉnh trung du miền núi Bắc bộ. Song ít người đồng bằng biết rằng lá của chúng cũng có thể ăn được, thậm chí rau sắn muối chua là đặc sản nổi tiếng của hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.
Rau lá sắn muối chua hay còn gọi là dưa lá sắn vốn là món ăn thời nghèo khó của Phú Thọ, Yên Bái nhưng nay thành món khoái khẩu của người dân thành phố. Hằng năm cứ độ tháng 3, người ta lại bắt đầu rao bán rau sắn muối chua với giá 50.000 - 65.000 đồng/kg hoặc 10.000 - 15.000 đồng/bát nhỏ.
" Xưa quê mình trông rất nhiều sắn lấy củ, còn lá bỏ đi hoặc cho gà vịt, nuôi tằm. Khi mình ra Hà Nội học thấy bạn cùng khu ký túc xá quê Phú Thọ đem rau sắn muối chua xuống làm quà mà ngỡ ngàng. Mình không thể tin chúng có thể ăn được" , chị Ánh (30 tuổi, quê Thanh Hoá) cho hay.
Sau một lần được bạn nấu cho ăn thử, chị Ánh không ngờ ăn quá ngon, nghiện từ lúc nào không hay. Vì thế cứ mỗi lần bạn học về quê, chị lại nhắn bạn đem lọ dưa lá sắn mang lên ăn dần.
Rau sắn muối chua thường được nấu kèm với cá, ninh với xương làm món giải nhiệt hữu hiệu trong mùa hè. Sau khi nấu, dưa sắn có vị chua thanh thanh lại bùi bùi ăn rất đặc biệt, không hề giống với các loại dưa muối khác.
Nhờ bán món rau "nhà nghèo" này, nhiều người có thể kiếm được hàng triệu đồng mỗi ngày. Chị Hồng Cảnh cho biết thay vì muối rau bán ở chợ đã chuyển sang cung cấp online, khách ở các tỉnh thành đặt hàng tới tấp.
" Lá sắn sau khi hái về sẽ bỏ phần cọng và lá già, sau đó đem vò cho vào vại, đổ nước ngập, nén lại và phơi nắng 2 - 3 ngày.
Để đảm bảo hàng cho khách, ngoài dùng lá sắn trồng ở vườn nhà, tôi còn mua thêm của bà con trong xóm. Giá cho mỗi cân lá sắn tươi là 15.000 đồng ", người phụ nữ nói.
Lá sắn còn được xuất khẩu ra thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, các khu vực đông người châu Á sinh sống.