dd/mm/yyyy

Liên hoan văn nghệ tại Lai Châu: Những làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc thiểu số mê đắm lòng người

Với nhiều chủ đề khác nhau, các nghệ nhân, diễn viên quần chúng người dân tộc thiểu số rất ít người, đã mang đến chương trình Liên hoan văn nghệ những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc, cuốn hút người xem.

Những làn điệu dân ca, dân vũ say đắm lòng người tại liên hoan văn nghệ

Ngày 4/11, tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Lai Châu đã diễn ra chương trình liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Chương trình liên hoan nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Mê đắm những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 1.

Chương trình liên hoan văn nghệ và trình diễn trang phục truyền thống các dân có số dưới 10.000 người nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc tại tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Với chủ đề "sắc màu Lai Châu" các nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc: Cống, Mảng, Si La, Lự của tỉnh Lai Châu, mang đến cho khán giả những tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mở màn là tiết mục dân ca của dân tộc Cống, do các nam, nữ đến từ đội văn nghệ quần chúng xã Nậm Khao (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) thể hiện. Lời bài hát dân ca vang lên, hòa nhịp cùng tiếng giã, tiếng gõ nhạc cụ, nghe thật vui nhộn.

Mê đắm những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 2.

Tiết mục "Hát dân ca dân tộc Cống" tại liên hoan văn nghệ và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tiếp đến là tiết mục song tấu "sáo mẹ, sáo con" do các nghệ nhân, diễn viên dân tộc Lự trình diễn. Sáo đôi do người Lự sáng tạo từ bao đời nay, gồm có sáo mẹ và sáo con. Sáo dài là sáo mẹ, sáo ngắn là sáo con. Người Lự thường trình diễn sáo đôi trong các dịp lễ hội. đám cưới, lên nhà mới. Hai cây sáo, một dài, một ngắn do hai nghệ nhân nam trình diễn, tấu lên khúc nhạc réo rắt, trầm bổng, khiến người nghe mê đắm.

Mê đắm những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 3.

Chương trình liên hoan diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Chương trình liên hoan văn nghệ và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần lượt diễn ra các tiết mục hát, múa đặc sắc của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng người dân tộc thiểu số rất ít người, đến từ các tỉnh: Thái Nguyên, Kon Tum, Tuyên Quang, Nghệ An, Hài Giang, Lào Cai, Điện Biên và Cao Bằng. Các tiết mục văn nghệ quần chúng thể hiện đa dạng sắc màu văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc trưng, độc đáo của đồng bào các dân tộc về dự Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023.

Mê đắm những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 4.

Tiết mục múa hát "Miền Tây khúc hát tự hào" do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Ơ Đu đến từ tỉnh Nghệ An, biểu diễn. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Đến với chương trình liên hoan văn nghệ và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, các nghệ nhân, diễn viên người dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An đã cống hiến cho khán giả những tiết mục hát, múa đặc sắc, với chủ đề: Về bản Ơ Đu cùng em. Tiết mục múa "Hội cầu lửa" do các nghệ nhân, diễn viên người Pà Thẻn của tỉnh Tuyên Quang biểu diễn cũng không kém phần sôi động và hấp dẫn…

Rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống tại Liên hoan văn nghệ Lai Châu

Mê đắm những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 5.

Phần trình diễn trang phục dân tộc Rơ Măm của các nghệ nhân, diễn viên đến từ tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Thanh Ngân)

Không chỉ biểu diễn các tiết mục văn nghệ quần chúng đặc sắc, các nghệ nhân, diễn viên đến từ các dân tộc thiểu số rất ít người tham dự Ngày hội, còn trình diễn trang phục truyền thống, đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Trang phục của các dân tộc đều rất bắt mắt, thể hiện sự khéo léo, tinh tế trong thiết kế và từng đường kim, mũi chỉ.

Chị Lý Thị Toàn, đến từ đoàn nghệ nhân, diễn viên dân tộc Pà Thẻn (Tuyên Quang) chia sẻ: Dù trải qua nhiều năm giao thoa văn hóa, nhưng người Pà Thẻn ở Tuyên Quang vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng, trong đó phải kể đến trang phục truyền thống. Vẻ đẹp rực rỡ trên các trang phục của các chàng trai, cô gái dân tộc Pà Thẻn luôn là hình ảnh ấn tượng, riêng có, hăng say bên những dải khung cửi và phù hợp với việc lên nương trồng cây, phát rẫy.

Mê đắm những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 6.

Trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang khá sặc sỡ, bắt mắt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Với người Pà Thẻn, sắc màu trên trang phục còn là ngôn ngữ sống động, phản ánh nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Khi đến gần ngôi nhà của người Pà Thẻn, ắt hẳn du khách dễ dàng nghe thấy thanh âm lách cách của những bộ khung cửi dệt vải bên bếp lửa.

"Ngày cưới là ngày trọng đại của các chàng trai, cô gái Pà Thẻn. Họ thường tự may trang phục truyền thống của mình, với sự giúp đỡ của chị em họ hàng. Bộ trang phục cưới của cô gái Pà Thẻn rất cầu kì, được cài hoa, thêu ten với nhiều màu sắc khác nhau. Chú rể với chiếc khăn quấn đầu đặc trưng cùng nhiều trang sức bằng bạc" – chị Toàn cho hay.

Trang phục truyền thống của các dân tộc khác như: Si La, Cống, Mảng, Lự, Lô Lô, Ngái, Cờ Lao, Pu Pẻo,  Chứt, Ơ Đu, Rơ Măm, Brâu cũng mang những nét đặc trưng, riêng có của dân tộc mình. Trang phục truyền thống của dân tộc nào cũng rất đẹp, thể hiện nét văn hóa đặc sắc.


Thanh Ngân - Tuấn Hùng