Clip: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần ổn định thị trường, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Quang Hiểu – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai, cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân… Cuộc chiến Nga - Ukraine làm cho giá xăng dầu trong nước có nhiều biến động tăng, giảm và liên tục lập đỉnh mới, gây áp lực tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ...
Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai các kế hoạch chuyên đề, cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm; làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, quản lý địa bàn, tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tình hình thị trường, giá cả hàng hóa được Cục QLTT tỉnh kiểm soát, bình ổn, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, vật tư y tế phòng chống dịch... Đồng thời, Cục thực hiện giám sát 91 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; qua kiểm tra các cửa hàng xăng dầu còn lại đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm qua giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý vi phạm về kinh doanh hàng giả, về niêm yết giá bán thuốc chữa bệnh đã được Cục QLTT tỉnh Lào Cai chỉ đạo quyết liệt, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm, qua đó đã kiềm chế hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến 09/09/2022), Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã kiểm tra 816 vụ (bằng 93,4% so với cùng kỳ 2021), trong đó, số vụ vi phạm là 503 vụ (tăng 51,1% so với cùng kỳ 2021).
Tổng giá trị xử lý gần 6,112 tỷ đồng (tăng 28,5% so với cùng kỳ 2021), trong đó: Tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2,331 tỷ đồng (tăng 44,2% so với cùng kỳ 2021); trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,781 tỷ đồng (tăng 20,2% so với cùng kỳ 2021). Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước gần 2,481 tỷ đồng (tăng 13,5% so với cùng kỳ 2021), bao gồm: Tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2,331 tỷ đồng; tiền bán hàng hóa tịch thu gần 150 triệu đồng.
Khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Mặc dù, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn những khó khăn như: Địa bàn, lĩnh vực quản lý rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong khi lực lượng QLTT tại các huyện mỏng (mỗi huyện từ 4-5 công chức); công tác nắm bắt thông tin, nghiệp vụ trên nền tảng công nghệ thông tin còn hạn chế; công chức chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu, thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu thốn.
Các đối tượng buôn lậu, vi phạm pháp luật có phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: Thường xuyên theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng; trà trộn, để lẫn nhiều loại hàng hóa để vận chuyển, bày bán; để hàng hóa cùng với nơi ở… gây khó khăn cho công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tại các xã vùng cao, đa số người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, bất đồng ngôn ngữ, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Mặc dù đã được tuyên truyền và bị thu giữ hàng hóa vi phạm nhiều lần nhưng khi không có mặt cơ quan chức năng một số đối tượng vẫn cố tình bày bán hàng hóa vi phạm; khi bị kiểm tra, thu giữ thì lôi kéo, giằng xé, cướp lại hàng, chống đối quyết liệt vẫn còn xảy ra, gây khó khăn cho công tác xử phạt vi phạm hành chính.
Kinh phí lưu kho, chi phí giám định chất lượng hàng hóa còn cao, nhất là đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền,...khó khăn cho công tác xác minh, xử lý vi phạm. Người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng chưa tích cực thông tin cho lực lượng chức năng để xác minh, xử lý…
Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai chủ động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lào Cai, dự báo trong thời gian tới, giá xăng dầu trên thế giới tiếp tục sẽ có những biến động tăng, giảm, tác động đến giá xăng dầu trong nước, cùng với đó giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ sẽ có những biến động tăng, giảm với biên độ lớn...Các đối tượng sẽ lợi dụng nhu cầu tiêu dùng, xu thế mua sắm qua các giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để buôn bán, vận chuyển, đầu cơ găm hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, nhằm trục lợi, gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng...
Để chủ động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Tổng cục QLTT về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát, bình ổn thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ.
Chủ động dự báo, thường xuyên nắm bắt diễn biến, tình hình thị trường; tăng cường quản lý địa bàn, các tuyến điểm, địa bàn dễ phát sinh hoạt động buôn lậu, tập kết, vận chuyển trái phép hàng hóa; nắm bắt phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu; tăng cường kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.
Tập trung công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý khi giá xăng dầu tăng và hành vi ghìm giá, giữ giá hàng hóa, dịch vụ ở mức cao khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh như hiện nay (nhất là đối với những loại hàng hóa, dịch vụ có yếu tố đầu vào phải sử dụng nhiều đến xăng dầu) .
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan, các địa phương trong công tác trao đổi thông tin về phương thức thủ đoạn, nhất là thủ đoạn mới của các đối tượng vi phạm pháp luật để phối hợp kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật; ký cam kết với các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh, các cá nhân trong việc thực hiện đúng các quy định pháp luật.