Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa: Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả

Việt Tùng Thứ ba, ngày 26/03/2019 11:14 AM (GMT+7)
Với diện tích rộng, dân số đông, địa hỉnh phức tạp có nhiều đường biên giới, đường biển, đường quốc lộ, cửa khẩu, bến cảng, sân bay… do đó hoạt động kinh doanh thương mại ở Thanh Hóa diễn ra rất phong phú và phức tạp trên mọi bình diện. Đây cũng chính là khó khăn, thách thức cho Cục Quản lý thị trường khi phải “căng mình” trên một địa bàn rộng lớn, phức tạp như vậy. Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã làm gì để đấu tranh chống buôn lậu, hàng nhái, giải, kém chất lượng?
Bình luận 0

Căng mình chống hàng lậu, hàng giả

Ông Nguyễn Văn Hùng – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trưởng Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là một tỉnh lớn với 27 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 11 huyện miền núi. Tuy không nổi cộm các vụ buôn lậu lớn, nhưng thị trường tiêu thụ rộng, giao lưu hàng hóa trên cả đường biển, đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Vì vậy hoạt động buôn lậu thường diễn ra đa dạng, tinh vi. Toàn Cục mới được biên chế 175 công chức và 45 lao động hợp đồng chủ yếu là bộ đội chuyển ngành làm việc tại 22 Đội QLTT trực thuộc và các phòng, ban. Do đó, các cán bộ luôn phải căng mình ra để kiểm soát, giữ ổn định thị trường trên địa bàn.

img

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thanh hóa kiểm tra việc gian lận thương mại tại một cơ sở kinh doanh.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Trung Quốc như: Đồ chơi trẻ em; linh kiện điện tử; điện lạnh; đồ gia dụng; bánh kẹo… vẫn diễn biến phức tạp.

Tình trạng gian lận thương mại diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: Hoạt động khuyến mại, lợi dụng chủ trương “Đưa hàng Việt về nông thôn” để tiêu thụ hàng tồn kho, kém phẩm chất, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa, bán hàng không xuất hóa đơn, viết hóa đơn thấp hơn giá thực tế, quay vòng hóa đơn, bán hàng không đúng giá quy định…

Việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ở một số mặt hàng: Máy tính, mũ bảo hiểm, dầu gội đầu, bột giặt… chủ yếu là giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm có thương hiệu uy tín lớn trên thị trường.

Hoạt động kinh doanh hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường vẫn còn diễn ra ở một số mặt hàng, một số địa phương trong tỉnh bao gồm cả hàng hóa sản xuất, chế biến trong tỉnh và hàng hóa tỉnh ngoài, nước ngoài nhập lậu đưa vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh như: Sản phẩm động vật, bánh kẹo…

 

img

Gian lận trong việc giả mạo nhãn mác các thương hiệu lớn là việc các cơ sơ kinh doanh thường xuyên mắc phải.

Đứng trước thực trạng đó, Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các đội bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, , Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh, Sở Công Thương, Cục QLTT đã chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phòng chống buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức.

 Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh đến với tổ chức, cá nhân, từ đó đã góp phần vào việc bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh.

Tháo gỡ khó khăn

 Để tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với Cục Quản lý thị trường tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

img

Vào các dịp Lễ tết, việc gian lận thương mại càng “nóng”, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, trong thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tích cực thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Nội dung, cách thức tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, phù hợp với từng thời điểm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động thực hiện vai trò là cơ quan thường trực của BCĐ 389 tỉnh, kịp thời ban hành các kế hoạch, phương án, văn bản chỉ đạo, triển khai đồng loạt hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa. Trong năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã thực hiện kiểm tra 6.033 vụ, trong đó chuyển cơ quan Công an 2 vụ việc có dấu hiệu hình sự, xử phạt vi phạm hành chính 4.993 vụ với tổng số tiền thu phạt hơn 19 tỷ đồng. Từ ngày 1-1 đến 15-2-2019, lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra 999 vụ, trong đó xử lý vi phạm hành chính 917 vụ. Tổng số tiền thu phạt hơn 1,9 tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc xử lý vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế diễn ra trên thị trường. Công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Việc nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng kinh doanh còn chưa chặt chẽ và thường xuyên.

img

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tang vật thu được từ một vụ việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại diện Cục Quản lý thị trường đã cùng phân tích những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi nhiệm vụ, cũng như đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Quang Đảng - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã ghi nhận những kết quả mà lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua. Dưới sự chỉ đạo của các cơ quan cấp trên, Cục Quản lý thị trường đã quán triệt sâu rộng các quy định, chủ động phân công lực lượng, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp với từng thời điểm, góp phần quan trọng trong công tác bình ổn thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua.

Để công tác quản lý thị trường đi vào chiều sâu, ông Trần Quang Đảng đề nghị Cục Quản lý thị trường bên cạnh việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, cần tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đặc biệt, trong năm 2019, đơn vị cần xác định một số các lĩnh vực đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng kế hoạch kiểm tra, trong đó, chú trọng vào các lĩnh vực có tác động trực tiếp tới sức khỏe của con người. Đồng thời, trong thực hiện nhiệm vụ cần lựa chọn, phân công lực lượng với chuyên môn, nghiệp vụ tốt, phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, kiểm soát. Phối hợp hiệu quả với các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo 389, các cơ quan truyền thông, triển khai đồng loạt các giải pháp trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn, bảo vệ cuộc sống của người dân và doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem