Nhắc đến sản phẩm chủ lực của tỉnh Lai Châu không thể không nhắc đến sản phẩm chè. Từ lâu, cây chè đã được xem là một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu. Nhờ trồng chè mà nhiều hộ dân ở thành phố Lai Châu và ở các huyện: Tam Đường, Tân Uyên... của tỉnh Lai Châu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Không chỉ tăng về diện tích, mà sản lượng, chất lượng chè búp tươi của tỉnh Lai Châu không ngừng nâng cao. Nhiều vùng chè chất lượng cao trong tỉnh được hình thành và ngày càng phát triển.
Từ nguyên liệu chè búp tươi, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền để sản xuất, chế biến ra các sản phẩm trà thơm ngon nức tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Điển hình phải kể đến Công ty CP đầu tư phát triển Chè Tam Đường. Với dây chuyền sản xuất tiên tiến, Công ty CP đầu tư phát triển Chè Tam Đường đã cho "ra đời" nhiều dòng sản phẩm trà như: Đông phương mỹ nhân, Shencha, Oolong, Matcha, Kim tuyên, trà xanh hương nhài hữu cơ và trà cổ thụ Sà Dề Phìn.
Niềm vui của cán bộ, công nhân Công ty CP đầu tư phát triển Chè Tam Đường và người trồng chè trong vùng nguyên liệu của công ty được nhân lên, khi 7 sản phẩm trà của công ty được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 1 sao. Bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Chè Tam Đường phấn khởi cho biết: "Thật vinh dự cho công ty khi có tới 7 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là niềm vui và cũng là động lực để công ty và người trồng chè trong vùng nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Tham gia chương trình OCOP, công ty có nhiều cơ hội để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm trà sạch tới tay người tiêu dùng".
Cùng với các sản phầm trà, nhiều sản phẩm khác có lợi thế như: Gạo Séng cù Than Uyên, hạt Macca khô, dưa thơm, miến dong Bình Lư, gạo tẻ tròn Than Uyên, gạo dâu Lai Châu, thịt trâu sấy khô... cũng được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho hay: Nghề làm miến dong xuất hiện ở Bình Lư cách nay cũng trên dưới 40 năm. Lúc đầu, gia đình tôi và một số hộ dân khác (đều từ Thái Bình lên Bình Lư làm kinh tế mới) làm miến dong chỉ để phục vụ bữa ăn trong gia đình, cho thỏa nỗi nhớ quê hương. Rồi nghề làm miến dong cũng tự phát từ đó và tồn tại cho đến ngày nay. Sản phẩm miến dong Bình Lư có đặc trưng riêng mà ít nơi nào có được.
Khi nấu lên, sợi miến vừa dẻo dai vừa trong mát, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, manh mún nên sản phẩm miến dong Bình Lư mãi chưa xây dựng được thương hiệu. Để nghề làm miến dong phát triển bền vững, tôi vận động một số hộ làm miến khác thành lập HTX. HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư có tổng số 11 thành viên.
"Khi cán bộ huyện, xã đến vận động tham gia chương trình OCOP, tôi và các thành viên trong HTX cũng đắn đo, trăn trở. Sau khi bàn bạc, chúng tôi đã quyết định đăng ký tham gia chương trình OCOP. Và chúng tôi đã đúng khi sản phẩm miến dong của HTX được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu. Giờ thì sản phẩm miến dong Bình Lư đã được nhiều người, nhiều nơi biết đến hơn, Sản phẩm miến dong Bình Lư được dán tem truy xuất nguồn gốc và được đóng gói cẩn thận để bán ra thị trường. Để được công nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi đã cải tiến dây chuyền chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm" - ông Ánh hồ hởi nói.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Nguyễn Duy Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm tới việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn. Ngoài việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP cho cả giai đoạn và cụ thể tới từng năm, tỉnh Lai Châu còn thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ, định hướng giúp các chủ thể xây dựng sản phẩm, hồ sơ tham gia chương trình OCOP. Các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu cũng rất quyết liệt trong việc chỉ đạo và lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để tham gia chương trình OCOP.
Theo anh Sơn, lợi thế phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu là rất lớn. Năm 2020, qua rà soát, đánh giá, các huyện, thành phố đã xác định được 80 sản phẩm tiềm năng của 31 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Qua đánh giá, phân hạng, tỉnh Lai Châu đã công nhận 47 sản phẩm của 23 chủ thể đạt sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao và 38 sản phẩm 3 sao.
"Qua thực hiện chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của địa phương. Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, HTX không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm, mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới. Chương trình OCOP đã tạo thêm động lực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh" - anh Sơn nhấn mạnh.