Lai Châu: Người dân bản Sơn Hà làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
26/05/2025 16:50 GMT +7
Từ bỏ thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp; đời sống của người dân bản Sơn Hà (Pắc Ta, Tân Uyên, Lai Châu) không ngừng cải thiện, nâng cao.
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kiểu gì mà dân Mường Lò ở Yên Bái có thu nhập cao hơn hẳn?
- Dạy nghề cho nông dân ở Bình Dương đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu
- Hát Lót chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới
"Phất lên" từ những mô hình kinh tế tổng hợp
Cách đây ít năm, nhắc đến bản Sơn Hà, (Pắc Ta, Tân Uyên, Lai Châu), nhiều người chỉ nghĩ đến một vùng quê nghèo khó, quanh năm bám mặt vào nương rẫy với lối sản xuất manh mún. Thế nhưng, nhờ sự chịu khó, ham học hỏi và "máu" làm giàu, người dân nơi đây đã biến những điều không thể thành có thể. Bản Sơn Hà nay đã "thay da đổi thịt", cuộc sống ấm no hiện hữu trên từng nếp nhà, cánh đồng.
Ông Kiều Ngọc Dung - Trưởng bản Sơn Hà không giấu nổi niềm vui khi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản. "Nhà nào nhà nấy giờ cũng có của ăn của để cả chú ạ! Không còn cảnh chạy ăn từng bữa như xưa nữa đâu" - ông Dung cười tươi rói khoe. Thực tế cho thấy, ở bản Sơn Hà, nhiều hộ dân đã “phất lên” nhờ những mô hình kinh tế tổng hợp như nuôi ong lấy mật, trồng chè, cây ăn quả hay chăn nuôi lợn.

Một trong những hộ điển hình về làm kinh tế giỏi ở Sơn Hà phải kể đến, đó là gia đình anh Đặng Văn Đông. Đến nhà anh Đông đúng lúc anh vừa đi kiểm tra các thùng ong của gia đình. Từ vườn bưởi bước ra, đầu trùm mũ kín mít, anh Đông bảo: "Vừa đi kiểm tra đàn ong, chuẩn bị quay vụ mật mới. Năm nay, có lẽ mật thu tốt hơn năm ngoái".
Ít ai biết, anh Đông bén duyên với nghề nuôi ong từ năm 2008. Ban đầu chỉ vài thùng ong phục vụ gia đình, nhưng nhận thấy thị trường mật rộng lớn, giá thành cao, anh Đông đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô. Anh tận dụng ngay vườn bưởi nhà mình để đặt thùng ong. Đến nay, gia đình anh đã có hơn 100 thùng ong.
"Nuôi ong không khó, nhưng phải biết cách duy trì và nhân đàn thì mới có mật bán. Nhiều hộ không biết cách nên ong bay đi hết", anh Đông chia sẻ bí quyết. Để có được đàn ong "khủng" như hiện tại, anh Đông đã tự mày mò, đúc rút kinh nghiệm qua từng vụ mật, thậm chí còn tự tạo ong chúa và đều đặn thay ong chúa mỗi năm một lần. Nhờ vậy, năm 2024, 80 thùng ong đã mang về cho gia đình anh Đông 6 tạ mật, thu về gần 100 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở nuôi ong, gia đình anh Đông còn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp "VAC" (vườn - ao - chuồng) với quy mô đáng nể. Anh trồng hơn 2ha chè cho sản lượng 20 tấn chè búp tươi mỗi năm, 60 gốc bưởi diễn trĩu quả, 4.000m2 lúa, cùng với mấy ao cá và đàn lợn, gà. Tính ra, mỗi năm gia đình anh Đông "bỏ túi" hơn 200 triệu đồng tiền lãi.
Vùng quê Sơn Hà "thay da đổi thịt" nhờ sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Rời nhà anh Đông, ông Dung tiếp tục đưa chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa xanh mướt, đồi chè bạt ngàn và các mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, ngựa giống của các hộ dân khác. Ông Dung cho biết, bản Sơn Hà có 174 hộ, với hơn 600 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Kinh và Thái.

"Cách đây chục năm, bà con sản xuất manh mún lắm, chưa ra sản phẩm hàng hóa đâu. Từ khi Đảng, Nhà nước quan tâm làm đường, định hướng cây trồng, vật nuôi phù hợp, rồi hỗ trợ chính sách nữa, bà con có động lực để vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình" - ông Dung phấn khởi kể.
Giờ đây, toàn bản Sơn Hà có hơn 62ha chè, với năng suất 8 tấn/ha/năm, 7ha cây ăn quả (xoài, bưởi), 42ha lúa 2 vụ với các giống lúa đặc sản địa phương. Đặc biệt, bản đã nhân rộng được 300 đàn ong, gần 400 con gia súc và hơn 6.000 con gia cầm.
Nhờ những nỗ lực ấy, bản Sơn Hà giờ đây chỉ còn vỏn vẹn 15 hộ nghèo, cận nghèo. Thu nhập bình quân năm 2024 của người dân đã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm – một con số đáng mơ ước ở vùng nông thôn miền núi.

Theo ông Dung, để có được thành quả hôm nay, chính quyền xã Pắc Ta không chỉ tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mà còn tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật và đặc biệt là kết nối, tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản.
Chính những điều này đã tạo động lực, niềm tin để bà con Sơn Hà tiếp tục đoàn kết, hăng say lao động sản xuất. Bằng ý chí và khát vọng vươn lên làm giàu, người dân nơi đây đang từng ngày xây dựng bản Sơn Hà trở thành một vùng quê đáng sống, tươi đẹp và thịnh vượng.
Tags:
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nông dân một xã 135 ở Hòa Bình có thu nhập tốt hơn
Những năm gần đây, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều hộ dân xã Độc Lập (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, biến ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ/ha
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ là chủ trương được ngành nông nghiệp khuyến khích để nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ chủ trương này đã có nhiều cánh đồng sản xuất hiệu quả, cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ trên mỗi hecta.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân vùng cao Lai châu có thu nhập tốt hơn hẳn
Thời gian qua thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, Lai Châu) khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giúp nông dân thu nhập tốt hơn, nhà nào cũng phấn khởi…