dd/mm/yyyy

Lai Châu nâng chất sản phẩm OCOP

Những năm gần đây, tỉnh miền núi Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ các chủ thể xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Lai Châu quan tâm phát triển sản phẩm OCOP

Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế đó, tỉnh Lai Châu đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông dân Lai Châu đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Phát huy lợi thế về sự phong phú của các mặt hàng nông sản trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố chú trọng thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình được triển khai rộng khắp các xã trong tỉnh, thu hút nhiều chủ thể tham gia.

Lai Châu nâng chất sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có gần 160 sản phẩm OCOP. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ngoài việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP cho cả giai đoạn và cụ thể tới từng năm, tỉnh Lai Châu còn thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh phố hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ, định hướng giúp các chủ thể xây dựng sản phẩm, hồ sơ tham gia chương trình OCOP. Các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu cũng rất quyết liệt trong việc chỉ đạo và lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để tham gia chương trình OCOP.

Không dừng lại ở đó, các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các chủ thể trong việc hoàn thiện hồ sơ, mẫu mã, bao bì sản phẩm; Triển khai kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh để hỗ trợ nguồn vốn cho các chủ thể OCOP có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất; đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại trong quá trinh chế biến sản phẩm. Được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, các chủ thể là các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng mạnh dạn hơn trong việc đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Lai Châu nâng chất sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Một số sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo Huy Cương, ở thành phố Lai Châu được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. (Ảnh: THanh Ngân)

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Lai Châu có 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao. Công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng được các cấp, các ngành của tỉnh Lai Châu chú trọng. Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tổ chức nhiều sự kiện để quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh được lựa chọn trưng bày tại các hội chợ nông sản ở các tỉnh, thành trong cả nước. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu ngày càng được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến và lựa chọn mua về sử dụng. Sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu cũng khá đa dạng, phong phú. Điển hình như các sản phẩm trà, hạt mắc-ca khô, mật ong, gạo dâu, thịt trâu sấy khô, thịt hun khói, ruốc cá hồi, chuối sấy giòn, đông trùng hạ thảo, thuốc chữa bệnh gan A Súa, mật ong và một số sản phẩm dược liệu…

Nâng tầm OCOP Lai Châu

Qua câu chuyện với bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Chè Tam Đường, được biết: Thời gian qua, Công ty CP đầu tư phát triển chè Tam Đường đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao chất lượng các sản phẩm chè. Công ty có tới 7 sản phẩm trà được công nhận sản phẩm OCOP, đó là: Đông phương mỹ nhân, Shencha, Oolong, Matcha, Kim tuyên, trà xanh hương nhài hữu cơ và trà cổ thụ Sà Dề Phìn.

Lai Châu nâng chất sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu được người tiêu dùng ưa chuộng. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Tham gia chương trình OCOP, công ty có nhiều cơ hội để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm trà sạch tới tay người tiêu dùng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm trà các loại cũng như nâng hạng sản phẩm OCOP, Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, cải tiến kĩ thuật, mẫu mã và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu" – bà Loan cho hay.

Trò chuyện với một số chủ thể OCOP ở Lai Châu, được biết, các chủ thể luôn nỗ lực tìm tòi và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, thông qua việc thực hiện chương trình OCOP ở Lai Châu, đã góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương, nhất là đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền. Thấy được lợi thế, cơ hội để phát triển, các chủ thể OCOP ở Lai Châu đã mạnh dạn khai thác giá trị sản phẩm gắn với nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập.

Nhờ đảm chất lượng sản phẩm, chủ thể của các sản phẩm OCOP: gạo séng cù đặc sản Than Uyên, nếp tan pỏm Tà Hừa, ổi Hua Nà, cá lăng, trắm sấy… trên địa bàn huyện Than Uyên đảm bảo tốt thu nhập và tạo việc làm ổn định cho lao động người địa phương.

Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của các chủ thể, các sản phẩm OCOP ở Lai Châu đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Chất lượng nâng lên, các sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu ngày càng được khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn, góp phần đưa nông sản Lai Châu vươn xa.

Thanh Ngân