Lạ: Dân núi Đọi trồng thứ đỗ lười biếng, chưa đến ngày thu thương lái đã đến tận nhà đòi mua cả thân lẫn hạt
Vụ này bà Bùi Thị Cúc ở thôn Đọi Tín trồng hơn 4 sào đỗ tương, dù mất mùa nhưng tính ra gia đình bà vẫn có thu khoảng vài tạ đỗ lười.
Bà Cúc cho biết, so với làm lúa, trồng đỗ tương ngắn ngày hơn nhiều. Từ khi gieo đỗ đến khi thu hoạch chỉ khoảng hơn 60 ngày là có thể thu hoạch(trong khi cấy lúa phải hơn 100 ngày mới có thu). Gọi là đỗ lười bởi lẽ, khi trồng đỗ hầu như bà con không phải phun thuốc trừ sâu, lượng phân bón cho cây cũng ít, người trồng không phải tốn nhiều công chăm sóc nhưng đỗ lười vẫn xanh tốt và cho quả đều, đẹp.
"Vụ Đông năm nay đỗ lười mất mùa nhưng mỗi sào người dân chúng tôi cũng thu được vài chục kg đến 60,70kg. Với giá thị trường hiện tại khoảng 14.000 đồng đến 16.000 đồng/kg, bà con "bỏ túi" từ 600.000 đồng đến trên dưới 1 triệu đồng/sào", bà Cúc nói.
Bà Cúc cho biết thêm, do đỗ tương năm nay mất mùa, khan hàng nên nhiều thương lái đã tìm đến tận ruộng, tận nhà để săn mua đỗ thương phẩm với giá cao từ 14.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, thân đỗ cũng được một số thương lái ở các nơi đến mua về cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề làm hương.
Là gia đình trồng nhiều đỗ tương nhất, nhì xã Tiên Sơn, gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn (40 tuổi) vừa mới thu hoạch hơn 1 mẫu đỗ lười đưa về phơi trên đường làng. Năm dự kiến vợ chồng thu về vài tạ đỗ hạt, tính giá trị trường hiện tại gia đình anh dễ dàng "đút túi" gần chục triệu đồng.
"Làm đỗ vụ Đông này nhàn và dễ dàng thu lãi ngay nên bà con rất phấn khởi", anh Tuấn chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Hưng, Phó trưởng thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn cho hay: Nói gương vua xưa (Vua Lê Đại Hành) gắn bó với nông nghiệp, người dân Đọi Tín nói riêng và bà con xã Tiên Sơn nói riêng luôn hăng say, chăm chỉ cày cấy, chăm sóc hoa màu tốt tươi.
Ông Hưng cho biết, vụ Đông năm nay, người dân thôn Đọi Tín trồng khoảng 50 mẫu đỗ tương hay còn gọi là đỗ lười. Dù năng suất của loại cây trồng này vụ này kém hơn so với mọi năm nhưng bà con vẫn có lãi khá.