dd/mm/yyyy

Kiên Giang: Phát huy hiệu quả mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng

Những năm gần đây, mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng vừa giữ rừng phòng hộ, đảm bảo sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân ở Kiên Giang, vừa phát huy được giá trị kinh tế. Có thể nói, đây là loại hình sinh kế đem lại hiệu quả và cần được nhân rộng..

Nuôi sò huyết dưới tán rừng: Đơn giản mà hiệu quả

Nhà anh Lê Dung Tuân ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang vốn gắn bó với tán rừng hàng chục năm nay, trước đây gia đình anh rất khó khăn, nuôi tôm, cua hay bị mất mùa do thời tiết và biến đổi khí hậu. Mọi chuyện đã thay đổi từ vài năm trở lại đây khi anh đã bắt đầu nuôi sò huyết với diện tích hơn 3ha dưới tán rừng và đã bắt đầu được thu hoạch.

Anh Tuân cho biết: "Từ khi nuôi sò, bà con ở đây cũng kiếm ăn được. Riêng gia đình tôi, trong vụ sò huyết vừa qua cũng lời được khoảng 90 triệu đồng".

Theo anh Tuân, sò huyết là loài dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, đầu tư thức ăn cũng không nhiều đang được bà con vùng bãi bồi ven biển nuôi thả. Tuy nhiên, để sò có tỷ lệ sống cao, thu lợi nhuận bền vững không phải là dễ, vì thế người nông dân cần được hỗ trợ xử lý nước và lựa chọn con giống. Kể từ khi tham gia nuôi sò huyết dưới tán rừng, cán bộ của Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Kiên Giang: Phát huy hiệu quả mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng - Ảnh 1.

Mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng chống chịu với biến đổi khí hậu ở Kiên Giang.

Theo anh Nguyễn Hữu Kha, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện An Biên, Kiên Giang cho biết, khi tham gia dự án, người dân được hỗ trợ con giống, kỹ thuật, thiết bị đo môi trường, các vật tư... để bà con chăn nuôi thuận lợi.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Khuyến ngư, nuôi trồng thủy hải sản, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho rằng: "Đối với những hộ tham gia mô hình nuôi sò có lợi nhuận cao hơn mô hình thường khoảng từ 15 đến 20%".

Cũng theo ông Toản, mục tiêu mô hình nuôi hải sản dưới tán rừng triển khai trên diện tích 2.600ha mặt nước vùng ngoài đê biển tập trung tại hai huyện An Biên và An Minh tỉnh Kiên Giang. Trong thời gian tới, để nhân rộng dự án, cần chính quyền địa phương khơi thông nguồn vốn và tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Hỗ trợ 50% con giống cho người dân

Theo đại diện ban quản lý dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD-ICRSL), dự án được xây dựng nhằm ổn định sinh kế, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư góp phần phát triển bền vững khu vực dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Tham gia vào mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ, người nông dân sẽ được dự án hỗ trợ 50% tiền con giống và vật tư dụng cụ thiết yếu. Theo đánh giá của Phòng NNPTNT huyện An Biên: Dự án xây dựng mô hình thí điểm nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, là nền tảng nhân rộng mô hình cho người dân trong vùng dự án. Sau khi người dân tham gia mô hình sẽ chính là những người tuyên truyền viên để tuyên truyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã áp dụng cho các hộ nuôi lân cận để nhân rộng mô hình ngày càng phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu’’.

Sò huyết chỉ ăn sinh vật phù du và sống ké trong môi trường nước nuôi tôm, cua nên hầu như chỉ tốn mỗi tiền mua con giống nhưng mang lại nguồn thu nhập đều cho người dân. Sau khoảng 1 năm nuôi thả, sò huyết có thể thu hoạch, trọng lượng từ khoảng 130 con/kg là thương lái thu mua.

Giá sò huyết thu chính vụ, loại 130 con giá từ 95.000 - 105.000 đồng/kg. Sò loại 100 con/kg giá 125.000 - 130.000 đồng/kg. Nếu như thu nhập từ tôm, cua mang lại thu nhập đủ chi tiêu và trang trải chi phí hàng ngày của nông dân thì sò huyết lại cho thu nhập theo vụ với số tiền lớn để tích lũy hoặc tái đầu tư sản xuất.

Theo thống kê, toàn tỉnh Kiên Giang có diện tích nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ bãi bồi ven biển hơn 6.200ha. Tuy nhiên hầu hết các hộ nuôi sò huyết theo kinh nghiệm tự phát, nguồn giống lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, giá trị kinh tế mang lại không cao. Để phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi sò huyết với nguồn vốn từ Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL".

Trường Lê