Phân rõ người, rõ việc
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Cương - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Phiêng Khoài là xã có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Xã có 29 bản và 5 dân tộc: Thái, Mông, Mường, Xinh Mun và dân tộc Kinh. Địa bàn xã rộng, chủ yếu đồi núi cao và dốc, dân cư sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu sản xuất thuần nông, canh tác nương rẫy là chính. Vì vậy, ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, xã xác định đây là một chương trình lớn, cần phải kiên trì thực hiện lâu dài. Quan trọng nhất là làm sao nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Khó khăn chồng chất nhưng xã cũng có những thuận lợi nhất định, đó là có Quốc lộ 6C chạy qua địa bàn.
Căn cứ vào thực tế địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng NTM, ban hành nghị quyết, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí phù hợp với điều kiện từng bản.
Theo đó, xã đã phát động phong trào thi đua xây dựng NTM rộng rãi trên địa bàn, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia. Đồng thời, thành lập, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM, phân công rõ người, rõ việc cho từng thành viên bám sát cơ sở.
Quá trình thực hiện các tiêu chí, xã đã lồng ghép với các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự đóng góp từ phía người dân. Bên cạnh huy động sức dân tham gia đóng góp xây dựng một số công trình hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất, chính quyền xã còn đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Sau 9 năm triển khai chương trình, nhiều công trình đã được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhiều tuyến đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương... được kiên cố, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM của xã.
Nâng thu nhập nhờ hướng đi đúng
Để giúp người dân nâng cao thu nhập, Đảng bộ, chính quyền xã đã vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng thế mạnh từng địa phương và mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, xã đã lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai vào sản xuất thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, như trồng mận, nhãn, xoài, bưởi, chanh leo… thay thế cho cây ngô, cây sắn. Duy trì phát triển các loại cây trồng truyền thống như cây chè và một số cây ăn quả, kết hợp với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đến nay, xã có 1.950ha cây ăn quả, 236ha cây chè... Trong đó, hình thành được nhiều mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc như: Xoài, nhãn, mận, chanh leo... khuyến khích phát triển kinh tế tập thể thành lập các hợp tác xã. Hiện, xã có 4 hợp tác xã nông nghiệp chế biến chè và sản xuất hoa quả sạch, an toàn.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng tổng số đàn gia súc của xã lên 10.700 con và trên 55.480 con gia cầm. Góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 46,8%.
Khi thu nhập nâng lên, người dân có thêm điều kiện tham gia đóng góp xây dựng NTM, tạo thành phong trào lan tỏa rộng khắp. Người góp sức, góp tiền của xây dựng kết cấu hạ tầng, như: Đường giao thông, thủy lợi, trường, trạm, nhà văn hóa...