Thứ Năm, ngày 16/01/2025 05:51 PM (GMT+7)
Khởi nghiệp, bán hàng trên nền tảng số cần chiến lược và đầu tư nghiêm túc
2023-07-15 13:00:00
Đó là nhận định của chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ông cũng đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích với những người đang chuẩn bị hành trang để khởi nghiệp, bán hàng trên nền tảng số.
Đó là nhận định của chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ông cũng đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích với những người đang chuẩn bị hành trang để khởi nghiệp, bán hàng trên nền tảng số.
Thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam là có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản dồi dào. Việc bán hàng onilne giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Khởi nghiệp bán hàng online đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ mọi vùng miền, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ nơi vùng sâu, vùng xa. Từ thực tế câu chuyện của người trẻ khởi nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có những chia sẻ về kỹ năng bán hàng trên nền tảng số.
- Chuyên gia có nhận định gì về việc sử dụng nền tảng số để bán hàng của những người trẻ khởi nghiệp?
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Thị trường online phù hợp với các bạn trẻ bởi tích hợp được nhiều tiện ích: Thanh toán, vận chuyển, so sánh sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các bạn trẻ khởi nghiệp trên nền tảng số thường tập trung 3 vấn đề: sử dụng phầm mềm; bán được hàng và thu hút nhiều người xem.
Tuy nhiên, trong quá trình bán hàng còn hạn chế, nhất là trong khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích, nên hầu hết việc bán hàng trên nền tảng số hiện nay mới là tổng hợp và bán nông sản, còn nông sản nhằm vào mục tiêu có chủ đích chưa được các bạn thực sự quan tâm.
Bên cạnh đó, khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề với khách hàng còn yếu mà mới tập trung bán hàng. Thiếu nhân lực giải đáp các vấn đề với khách hàng, khi thiếu vấn đề này thì tính truyền thông về mặt hàng sẽ bị hạn chế. Do đó, việc phát triển thị trường, kết nối học tập và trao đổi của các bạn vẫn còn khá khiêm tốn.
- Để khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng số, cần lưu ý gì thưa ông?
Về vấn đề hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, kinh doanh, quảng bá hàng hóa, sản phẩm đặc biệt là nông sản trên nền tảng số, cần lưu ý:
Thứ nhất, hầu hết các bạn đều đang khó trong kiểm soát vận chuyển, đóng gói như thế nào cho chủ động. Ví dụ vận chuyển hải sản mà không có thiết bị chuyên dùng thì chất lượng rất dễ xuống cấp. Hay ví dụ như việc nông dân Hòa Bình bán cam, tùy từng địa điểm, đi xa hay gần mà đảm bảo việc đóng gói sao cho phù hợp và đảm bảo hàng tới tay người tiêu dùng luôn giữ được chất lượng tốt nhất. Đây cũng là kinh nghiệm và các bạn nên chú trọng hơn đến vấn đề này.
Thứ 2, yêu cầu cao nhất đối với người tiêu dùng chính là sự chân thật. Hình ảnh sản phẩm khi các bạn quảng bá trên các kênh bán hàng phải luôn là những sản phẩm được chụp, quay từ sản phẩm thật sẽ giao cho khách. Ngoài ra chúng ta nên có cách để cung cấp tới người tiêu dùng nguồn gốc của sản phẩm một cách rõ ràng, minh bạch, nhìn rộng ra đây chính là cách đối thoại với thị trường, tiệm cận gần hơn với cách bán hàng chuyên nghiệp.
Thứ 3, khi bán hàng trực tiếp trên nền tảng số (livestream) các bạn thiếu tự tin là do chúng ta chưa được chuẩn bị tâm lý. Đương nhiên, các bạn đã bước vào vòng phát triển phải đối diện với nhiều mâu thuẫn mà khi chưa sẵn sàng về tâm lý sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói, phản ánh của khách hàng. Tôi cho rằng điều này cũng bình thường do các bạn cũng mới bắt đầu thời gian ngắn. Do đó, rất mong các bạn sẽ sớm bản lĩnh và có thể vượt qua được những thử thách, mâu thuẫn này.
Thứ 4, hình như các bạn rất thiếu kịch bản phòng chống rủi ro. Nếu người khác lấy hình ảnh, video của các bạn thì các bạn sẽ mất hết tất cả những gì mình đã xây dựng. Vì vậy, cần phải có những kịch bản cho trường hợp này, mà một trong những cách hiệu quả nhất chính là chứng minh được nguồn gốc sản phẩm và có sự liên kết với các đầu mối bán hàng để luôn đảm bảo nguồn hàng chính gốc, có sự đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng cung cấp đủ tới tay khách hàng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo PNVN