dd/mm/yyyy

Hội Nông dân Than Uyên: Quan tâm tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân

Hội Nông dân huyện Than Uyên (Lai Châu) đang chú trọng các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Trường – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Than Uyên cho biết: Với phương châm tập trung hướng về cơ sở, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã có nhiều hoạt động tư vấn, dịch vụ, đào tạo dạy nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, giúp hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; góp phần nâng cao vai trò của các cấp hội, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Than Uyên phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 1.

Nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội viên - nông dân có động lực để phát triển kinh tế. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trong năm 2021, Hội Nông dân huyện Than Uyên đã giải ngân 04 dự án từ nguồn vốn Quỹ hộ trợ nông dân các cấp với tổng số tiền là 1.420 triệu đồng cho 27 hộ vay (Trong đó: 01 dự án triển khai tại xã Pha Mu với tổng số tiền 500 triệu đồng/10 hộ vay từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân trung ương; 01 dự án triển khai tại xã Ta Gia với tổng số tiền 500 triệu đồng/10 hộ vay từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ hỗ trợ nông dân tỉnh; 02 dự án triển khai tại xã Mường Than, Hua Nà với tổng số tiền 420 triệu đồng/07 hộ vay từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ hỗ trợ nông dân huyện).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện đã ban hành Quyết định về việc giảm mức thu phí cho vay Quỹ Hồ trợ nông dân hỗ trợ hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 xuống còn 0,6%/ tháng.

Than Uyên phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 2.

Nhiều hội nghị, lớp tập huấn, dạy nghề được Hội Nông dân huyện Than Uyên phối hợp tổ chức giúp hội viên, nông dân tiếp cận khoa học kĩ thuật, nâng cao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Thanh Ngân)

Cũng trong năm qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, khảo sát xây dựng kế hoạch tổ chức mở 36 lớp dạy nghề cho 1.100 học viên (nghề nông nghiệp 26 lớp/800 học viên, nghề phi nông nghiệp và dịch vụ 10 lớp/300 học viên); chủ động phối hợp với Hội Nông dân cơ sở cung ứng 318,362 tấn phân bón với giá trị 1.423 triệu đồng, 28,478 tấn giống với giá trị 965 triệu đồng, cung ứng 85.221 cây chè cho nông dân.

Để hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các ban, ngành tổ chức 3 Hội nghị nâng cao nhận thức và quảng bá về phương pháp canh tác lúa bảo vệ môi trường tại xã Mường Than, Mường Cang và thị trấn Than Uyên (81 người tham gia); lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trâu sinh sản tại xã Pha Mu (40 người tham gia); 02 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò tại xã Mường Than và Hua Nà cho 40 hội viên, nông dân; 13 buổi tư vấn, tập huấn khoa học kỹ thuật với 460 lượt hội viên nông dân tham gia.

Than Uyên phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 3.

Câu lạc bộ "nông dân với internet" giúp hội viên, nông dân cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết về khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp. (Ảnh: Thanh Ngân)

Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng Vietgap, Globalgap; thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn luôn được Hội Nông dân huyện chú trọng và quan tâm. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở vận động hội viên nông dân bản Cắp Na 1,2,3 (xã Tà Hừa) tham gia dự án trồng cây ăn quả (xoài Đài loan) tổng diện tích là 34 ha (năm 2020 trồng 8 ha, năm 2021 trồng 24 ha) với sự hướng dẫn kỹ thuật của Phòng NN & PTNT huyện.

Theo Chủ tịch Hội nông dân huyện Than Uyên, nhằm giúp nông dân nâng cao kỹ năng sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh để khai thác thông tin nông nghiệp; học tập trên mạng về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, Hội đã và đang duy trì các câu lạc bộ "nông dân với internet", từ đó, hội viên, nông dân ngày càng chủ động cập nhật thông tin, giá cả thị trường; trực tiếp tham gia mua bán vật tư, sản phẩm nông nghiệp, tiêu thụ hàng hoá...

Than Uyên phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 4.

Gạo Séng Cù - sản phấm OCOP của Than Uyên được công nhận 4 sao. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản hàng hóa của địa phương được các cấp Hội quan tâm, toàn huyện có 01 sản phẩm được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu, 9 sản phẩm được đăng ký mã vạch, 8 loại nông sản được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao"- ông Trường thông tin.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Than Uyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chuyên canh, gắn sản xuất với thị trường; thực hiện cung ứng giống, phân bón và các điều kiện cần thiết để phục vụ nông dân sản xuất hiệu quả; chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn tập huấn khoa học kỹ thuật, triển khai các mô hình và nhân rộng trong sản xuất.

Đồng thời, Hội Nông dân huyện cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhất là các sản phẩm OCOP, qua đó, giúp hội viên nông dân ổn định cuộc sống, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp và các tệ nạn xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.


Thanh Ngân-Phạm Hoài