dd/mm/yyyy

Hội Nông dân Sơn La: Cầm tay chỉ việc, giúp hội viên phát triển kinh tế

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc việc giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế. Dù học nghề ngắn hạn hay chuyển giao kỹ thuật, thì các mô hình mà Hội đã hướng dẫn trực tiếp đều mang đến hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho các hội viên.

Quán triệt tư tưởng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, dạy nghề gắn với cây trông, vật nuôi chủ lực hoặc gắn với hiệu quả tại địa bàn, nhiều năm qua Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh hoạt động dạy các nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi tới hội viên nông dân.

Hội Nông dân Sơn La cầm tay chỉ việc hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi cho các hội viên nông dân.

Chia sẻ với PV báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Hoàng Sương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: "Để tạo công ăn việc làm và nâng cao nhận thức cho các hội viên phát triển kinh tế, chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Từ đó lên kế hoạch đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp các nông hộ có điều kiện tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt.

Chỉ đạo Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh định hướng nội dung dạy nghề đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngoài ra chúng tôi còn chỉ đạo các cấp cơ sở hội tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, lựa chọn giống vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế".

Hội Nông dân Sơn La cầm tay chỉ việc hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Nhiều năm qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã vận động hội viên chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Cùng với các hoạt động trên, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tổ chức dạy các nghề cơ bản gồm: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, dê, gà, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, trồng rau an toàn... Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề ngắn hạn (trồng nấm, chăn nuôi, dệt thổ cẩm, xây dựng, điện dân dụng…) cho gần 14.000 học viên. Trong đó, Hội trực tiếp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 125 học viên, phối hợp dạy nghề cho hơn 13.000 hội viên; phối hợp tổ chức hơn 6.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 345.611 lượt hội viên nông dân tham dự.

Hội Nông dân Sơn La cầm tay chỉ việc hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Thông qua các lớp tập huấn và dạy nghề, các hội viên đã có thêm kiến thức trong sản xuất nông nghiệp.

Lâu nay cụm từ “trông chờ, ỷ lại” thường được gắn cho nông dân một cách áp đặt khi nói về nguyên nhân của tư duy sản xuất lạc hậu, trì trệ, kém phát triển. Trong khi điều mà họ cần là một định hướng phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả để làm điểm tựa chứ không hoàn toàn là sự hỗ trợ mang tính mùa vụ. Khắc phục điểm yếu này, Hội Nông dân tỉnh  Sơn La đã và đang triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hội viên bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”.

Hội Nông dân Sơn La cầm tay chỉ việc hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Hội chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện các hoạt động dịch vụ phân bón, giống, vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm, tư vấn việc sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La cũng đã phối hợp với các ngân hàng trong công tác hỗ trợ, tín chấp cho hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu ở địa phương. Hội cũng chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thực hiện các hoạt động dịch vụ phân bón, giống, vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm, tư vấn việc sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi và các các chế phẩm sinh học đảm bảo môi trường; đã  tín chấp gần 32.000 tấn phân bón, 1.200 tấn thức ăn chăn nuôi, hơn 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 1.500 tấn giống và 611 máy nông nghiệp theo hình thức trả chậm, chất lượng đảm bảo cho nông dân có điều kiện tốt nhất để gắn bó và làm giàu từ ngành nông nghiệp.

Hội Nông dân Sơn La cầm tay chỉ việc hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Mô hình nuôi gà thảo dược được Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cách làm chuồng trại cho các hội viên.

Anh Nguyễn Bá Long, bản Mé Nếch (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), cho hay: "Nhờ có lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả của Hội Nông dân dạy. Sau khi học xong, tôi vay tiền mua cây giống trồng trên 5.000 m2 đất nương để tăng cao nguồn thu nhập. Sau 3 năm vườn xoài cho quả bói. Hiện nay cây xoài nào cũng cũng xanh tốt và cho sai quả, mỗi năm cho thu 140 triệu đồng".

Hội Nông dân Sơn La cầm tay chỉ việc hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 6.

Dù học nghề ngắn hạn hay chuyển giao kỹ thuật, thì các mô hình mà Hội hướng dẫn đều mang đến hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho các hội viên, như: Mô hình trồng xoài Đài Loan, trồng cam ở xã Chiềng Ban, nuôi gà thảo dược, nuôi cá lồng...

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, qua học nghề có khoảng 80% học viên biết áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Để chủ động mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho các hội viên nông dân trong năm 2020, Hội đã lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị khác mở  lớp đào tạo nghề sơ cấp tại Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho hàng nghìn hội viên  tham gia.

Hội Nông dân Sơn La cầm tay chỉ việc hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 7.

Theo Hội Nông dân tỉnh Sơn La, qua học nghề có khoảng 80% học viên biết áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Ông Hoàng Sương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, nhận định: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát huy tốt vai trò của Hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.Tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tham gia vào các chương trình dự án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội kết hợp sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng Chính sách Xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giải quyết việc làm cho hội viên nông dân và con em nông dân. Thường xuyên xuống cơ sở để cầm tay chỉ việc cho hội viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, để tư vấn hỗ trợ các hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và làm giàu". 

Hà Hoàng