Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình, mưa lớn đã gây thiệt hại trên địa bàn 8/10 huyện, thành phố (Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn và thành phố Hòa Bình). Cụ thể, 1 người chết do nước lũ cuốn tại thị trấn Lương Sơn (Nam giới: Nguyễn V. Nh. sinh năm 1937 ở tiểu khu Mòng - thời gian phát hiện khoảng 10 giờ ngày 24/5/2022 trên suối Văn, tiểu khu Mòng). Thiệt hại về nhà ở và các tài sản khác là18 nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng do mưa lũ, sạt lở đất.
Tại huyện Tân Lạc có 11 hộ bị hư hải nhà ở do bị sạt lở khoảng 100m3 đất thuộc địa bàn xã Ngổ Luông. Trong đó, 2 hộ nhà ở bị ảnh hưởng do sạt lở khoảng 320m3 đất ta ly dương thuộc địa bàn xã Suối Hoa và xã Đông Lai; 2 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở đất khoảng 40m3 thuộc địa bàn xã Phong Phú. Còn tại thành phố Hòa Bình, do mưa lớn nên các xã Độc Lập, xã Quang Tiến đã khu vực ngập cục bộ. Huyện Yên Thủy có 1 nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn, ngập 2 nhà tại xã Ngọc Lương. Huyện Lương Sơn bị sạt lở 10m3 đất hộ dân xã Cao Sơn.
Về các diện tích lúa, hoa màu và cây trồng bị thiệt hại, ngập úng tính đến thời điểm báo là 609,29 ha. Tại huyện Tân Lạc là 19,49 ha lúa và hoa màu bị ngập úng gây thiệt hại từ 30 -70% (lúa 6,53ha, ngô 12,56ha, 0,4ha bí đỏ lấy hạt) tại địa bàn các xã Vân Sơn, Ngổ Luông, Quyết Chiến, Phú Vinh, Lỗ Sơn, Nhân Mỹ và Ngọc Mỹ.
Tại huyện Kim Bôi số diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại là 2 ha, trong đó diện tích ngô bị thiệt hại hoàn toàn là 0,5ha, diện tích lúa bị thiệt hại hoàn toàn là 0,5ha. Một số diện tích lúa và hoa màu ngập cục bộ đã được tiêu thoát úng không gây thiệt hại. Huyện Lạc Thủy có diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng là 272,8 ha tại các xã Yên Bồng, Phú Thành, Khoan Dụ, An Bình, Phú Nghĩa, Hưng Thi, thị trân Ba Hàng Đôi, thị trân Chi Nê (trong đó có 183,8ha lúa; 52ha ngô; 36,5 ha lạc; 0,5 ha sả). Do nước sông Thanh Hà và hồ Đá Bạc dâng cao chưa tiêu thoát úng được, đồng thời lượng mưa tại một số nơi tương đối lớn, huyện Lạc Thuỷ là vùng trũng nên chưa tiêu thoát được nước.
Huyện Yên Thuỷ bị ngập úng 315ha cây trồng gồm: 39,8 ha lúa, 18,2 ha rau màu, 226ha cây trồng hàng năm, 31 ha cây ăn quả tập trung. Huyện Lương Sơn, thành phố Hoà Bình có số diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng cục bộ mưa tạnh đã tiêu thoát úng, không gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp. Thiệt hại vật nuôi tại huyện Yên Thuỷ có 900 con gà bị chết, 5 con vật nuôi bị cuốn trôi
Thiệt hại về công trình, tại huyện Lương Sơn bị sạt lở móng nhà văn hóa tiểu khu 13 với chiều dài 13m tại thị trấn Lương Sơn. Sạt lở đường nội đồng bị xói mòn dài khoảng 20m (xã Cư Yên). Ở thành phố Hòa Bình có 2 công trình đang thi công tại xã Độc Lập (ngầm Bai Mạ, xóm Mường Dao và ngầm Suối Mục, xóm Sòng) mưa, lũ gây sạt lở ảnh hưởng đến đường đi tạm của một số hộ dân.
Tại khu dân cư xóm Phiêng Xa, trường mầm non Phiêng Xa, trường mầm non Đồng Bảng, xã Đồng Tân, huyện Mai Châu bị sạt lở đất, đá làm ảnh hưởng nghiêm trọng, mất an toàn cho trường và 6 hộ khu dân cư xóm Phiêng Xa, xã Đồng Tân (chiều dài sạt lở 23m, chiều cao 13m, tường bao bị đổ sập dài 3m, khối lượng sạt lở cũ và mới ước khoảng 3.000 m3). Xuất hiện hiện tượng sạt lở sát vào móng tường khu nhà vệ sinh, nguy cơ cao sụt lún sập đổ nhà vệ sinh của nhà trường.
Thiệt hại về giao thông, huyện Tân Lạc có một số tuyến đường ngầm trên địa bàn các xã Gia Mô, Lỗ Sơn, Thanh Hối, Mỹ Hòa nước ngập gây ảnh hưởng đến lưu thông trên địa bàn. Tuyến đường ĐH 58 từ Ngổ Luông đi Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn bị ảnh hưởng do sạt lở đất khoảng trên 400 m3. Thành phố Hòa Bình bị sụt lún 1 điểm tại đường trục ven sông xóm Độc Lập, chiều dài 7m rộng 1,5m tại xã Thịnh Minh. Cầu phao tạm qua sông Bưởi phục vụ thi công cầu Chum tại xóm Chum, huyện Lạc Sơn bị hư hỏng nặng. Xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn bị rung lắc mạnh, có nguy cơ lật cầu, chính quyền địa phương và đơn vị thi công đã khẩn trương tổ chức cứu hộ thành công, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Hiện, hệ thống cầu phao tạm cũng đã được neo đậu tại vị trí an toàn.
Trước tình trạng mưa lũ xảy ra, gây thiệt hại nghiệm trọng cho người dân, văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình đã chủ động theo dõi tình hình thời tiết, gửi các bản tin cảnh báo về tình hình thời tiết đến các địa phương. Đồng thời gọi điện nắm bắt tình hình, đôn đốc các huyện, thành phố Hòa Bình theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo tình hình thời tiết, thiên tai. Yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do mưa lớn gây ra trên địa để Ban Chỉ đạo tỉnh kịp thời nắm được và đề ra các giải pháp phù hợp.