Cụ thể, trong 2 ngày 21 và 22/11, trên chuyên mục Chuyển Động Tây Bắc, Báo điện tử Trang Trại Việt đã phản ánh việc hộ nghèo nhận hỗ trợ bò giống sinh sản về nuôi sau hơn một tháng đã bán đi chỉ với giá rẻ mạt và nhân dân nhận bò phải thêm tiền…
Ngay sau đó, theo báo cáo số 140/BC-UBND ngày 24/11/2022 giải trình về việc hộ nghèo, cận nghèo hỗ trợ bò giống sinh sản về nuôi sau một thời gian bán đi với giá rẻ gửi Thường trực thị Ủy; Thường trực UBND thị xã Sa Pa; Phòng kinh tế thị xã Sa Pa; Phòng Lao động TB&XH thị xã Sa Pa và Báo NTNN/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt do Chủ tịch UBND xã Tả Van Lê Mạnh Hào ký.
Với Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi đàn bò hàng hóa ở Sa Pa.
Căn cứ Quyết định 1488/QĐ-UBND ngày 01/09/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2020 từ Ngân sách Nhà nước (nguồn vốn theo Quyết định số 275/QĐ-TTg).
Căn cứ Quyết định số: 1447/QĐ-UBND ngày 14/08/2020 của UBND thị xã Sa Pa về việc phê duyệt mô hình phát triển chăn nuôi đàn bò hàng hóa trên địa bàn xã Tả Van năm 2020;
Căn cứ Quyết định 4484/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua bò giống sinh sản thực hiện mô hình Phát triển chăn nuôi đàn bò hàng hóa trên địa bàn thị xã Sa Pa.
Theo quyết định tổng dự toán được phê duyệt là: 538.200.000 đồng. Trong đó: Nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 đã giao tại Quyết định số: 3246/QĐ-UBND ngày 23/09/2020 của UBND tỉnh: 487.000.000 đồng. Nguồn đóng góp của nhân dân là 51.200.000 đồng. Cơ chế hỗ trợ áp dụng theo hướng dẫn 410/HD-UBND ngày 28/01/2019 của UBND tỉnh Lào Cai và Nghị quyết số: 12/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018.
Theo đó, Nhà nước thanh toán tiền hỗ trợ tối đa 14,6 triệu đồng đối với hộ nghèo, 12 triệu đối với hộ cận nghèo, 10 triệu đồng hộ mới thoát nghèo từ nguồn vốn theo Quyết định 275/QĐ-TTg hỗ trợ mua giống, hộ nghèo đối ứng là 300 nghìn đồng, cận nghèo 2.900.00 đồng và hộ mới thoát nghèo là 4.900.000. Như vậy tổng số tiền tương ứng để mua một con bò giống sẽ là 14.900.000 triệu đồng.
Dự án phát triển bò hàng hóa từ nguồn vốn 30a ở Sa Pa.
Căn cứ Quyết định 1488/QĐ-UBND ngày 01/09/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2020 từ Ngân sách Nhà nước (nguồn vốn 30a).
Căn cứ Quyết định 4485/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua giống bò vàng sinh sản thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi đàn gia súc sinh sản trên địa bàn thị xã Sa Pa.
Căn cứ Quyết định số: 1316/QĐ-UBND ngày 14/07/2020 của UBND thị xã Sa Pa về việc phê duyệt Dự án phát triển đàn bò hàng hóa trên địa bàn xã Tả Van năm 2020.
Theo quyết định tổng dự toán được phê duyệt là: 523.250.000 đồng. Trong đó: Nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 đã giao tại Quyết định số: 4268/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 của UBND tỉnh: 492.500.000.000 đồng. Nguồn dân đóng góp của nhân dân: 30.750.000 đồng. Cơ chế hỗ trợ Áp dụng theo hướng dẫn 410/HD-UBND ngày 28/01/2019 của UBND tỉnh Lào Cai và Nghị quyết số: 12/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018.
Nhà nước thanh toán tiền hỗ trợ tối đa 14,5 triệu đồng đối với hộ nghèo, 12 triệu đồng đối với hộ cận nghèo từ nguồn vốn 30a hỗ trợ mua giống. Như vậy, hộ gia đình chỉ thanh toán giá trị vượt so với giá trị Nhà nước hỗ trợ là 400 nghìn đồng với hộ nghèo, 2.900.000 đồng đối với hộ cận nghèo để đối ứng. Như vậy tổng số tiền tương ứng để mua một con bò giống sẽ là 14.900.000 triệu đồng.
Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp thu phản ánh của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt
Khi nhận giống bò về cấp phát cho nhân dân bò không đồng đều nhau nhưng vẫn đủ theo tiêu chuẩn trọng lượng 130 kg trở lên theo Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 14/7/2020 và Quyết định số 1447/QĐ-UBND ngày 14/08/2020 của UBND thị xã Sa Pa. Trong đó, có những con khi mua về cấp phát cho nhân dân trọng lượng cao hơn dẫn đến khó cấp phát cho người dân. Để tránh tình trạng tị nhau nên khi người dân nhận bò xã đã tiến hành cho các hộ bốc thăm cho công bằng người dân không phải đóng góp số tiền nào liên quan đến khi nhận bò to hơn phải đóng thêm tiền.
Đến tháng 7/2021, Đoàn thanh tra thị xã đã đi kiểm tra toàn bộ số lượng con bò vẫn còn 70 con đang được hộ dân chăm sóc chăn nuôi thả theo Báo cáo thanh tra số 06/BC- TKT ngày 29/07/2021 của thanh tra thị xã Sa Pa.
Ngay sau khi Báo NTNN/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt có loạt bài phản ánh được đăng tải, thị xã Sa Pa đã chỉ đạo UBND xã Tả Van tập trung rà soát lại toàn bộ số bò được Nhà nước hỗ trợ. Đến thời điểm này, trong tổng số 71 con bò được Nhà nước hỗ trợ thì có 18 con đã chết, bị bán đi và đổi từ bò sang trâu. Đồng thời, có 2 con bò cái đã đẻ thêm được 2 con bê.
Lý giải về nguyên nhân bò chết, bị bán đi và đổi sang nuôi trâu, UBND xã Tả Van cho rằng do thời tiết lạnh, các hộ chăm sóc kém, không nuôi nhốt, thả rông ngoài đồng ruộng buổi tối không cho bò về chuồng, có con bị ngã gãy chân, ăn cây mía có đinh bị thủng dạ dày và chết.
Ngoài ra, một số hộ trong quá trình nuôi bò càng nuôi càng gầy không lớn (4 tháng sau khi cấp phát) các hộ đã báo cáo Trưởng thôn và cán bộ khuyến nông xã bò đau bụng đi ngoài được cán bộ Khuyến nông viên xã xuống kiểm tra hướng dẫn hộ đi mua thuốc nhưng bò không đỡ vì sợ chết nên người dân đã bán bò đi. Những hộ khác bán đi để lấy tiền cưới cho con trai và do không có người chăn, khi bán bò vẫn khỏe mạnh sinh trưởng phát triển bình thường.
Còn việc người dân đổi từ bò sang trâu, trong quá trình chăn thả (3 - 5 tháng sau khi cấp phát) con bò được nhà nước cấp cho hộ không ăn theo con trâu mà trong hộ đang nuôi nên hộ đã đổi lấy trâu của hộ khác trong thôn để theo đàn tiện cho chăn thả.
Ông Nông Văn Thành, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tả Van, thị xã Sa Pa, cho biết: Chúng tôi đánh giá dự án phát triển đàn bò hàng hóa vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, có một số con đã bị chết, bị bán đi... vì nhiều lý do khác nhau, có một số hộ đã không kịp thời báo cáo lên xã.
Vấn đề này, xã Tả Van, thị xã Sa Pa xin tiếp thu loạt bài phản ánh của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt liên quan đến hộ nghèo nhận hỗ trợ bò giống sinh sản về nuôi sau hơn một tháng đã bán đi chỉ với giá rẻ mạt và nhân dân nhận bò phải thêm tiền.
Từ đó, xã Tả Van sẽ có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo cán bộ Khuyến nông giám sát tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc bò theo đúng quy trình kỹ thuật, và khuyến cáo các hộ dân chú ý trong quá trình chăm sóc để bò sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Vận động các hộ dân còn bò đang chăm sóc khi bò có dấu hiệu ốm, bệnh tật phải kịp thời báo cáo với UBND xã để có biện pháp điều trị. Thực hiện tái sản xuất đàn bò không được bán để bò sinh sản phát triển kinh tế…