Hiện toàn tỉnh Sơn La có hơn 627.800 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt trên 44,3% diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng tái sinh trên 14.500 ha, rừng trồng tập trung trên 2.600 ha, rừng cây phân tán trên 578.300 ha…
Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt, ông Lương Ngọc Hoan, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong năm vừa qua ngành Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền phố biến pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai thực hiện các chương trình dự án quản lý, bảo vệ rừng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương cũng như của ngành.
"Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bằng các giải pháp, như: Nêu gương những đơn vị, người tốt việc tốt trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng... Riêng năm 2019, ngành đã phối hợp tổ chức 746 lượt tuyên truyền tại các xã, bản về công tác Bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cho hơn 41.800 lượt người, kết hợp tuyên truyền bằng pano, áp phích, tờ rơi... Qua đó, nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng lên.
Hàng năm, ngành thường xuyên khảo sát, cập nhật biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, là thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng ngay tại các địa phương, nhất là bản vùng sâu, vùng xa. Chỉ đạo các đơn vị triển khai giải pháp quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn.
Vừa qua, ngành Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo triển khai việc đóng mốc ranh giới khu rừng đặc dụng Xuân Nha; hoàn thành việc lập hồ sơ giao đất, giao rừng cho Ban quản lý khu rừng Đặc dụng Mường La; tổ chức xây dụng khung giá rừng trên địa bàn 4 huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La theo quy định Thông tư số 32/2018/TT- BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo thống kê diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh và diện tích rừng trồng thành rừng năm 2019 tăng so với các năm trước.
Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở văn bản bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, ngành đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết phù hợp với đặc điểm thực tế từng địa bàn. Chỉ đạo đơn vị thường xuyên kiểm tra địa bàn, xây dựng, triển khai phương án và bố trí lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng của các huyện, thành phố.
Song song với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giữa huyện với xã; cam kết giữa xã, chủ rừng với bản, hộ gia đình thực hiện quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các địa bàn trọng điểm. Tổ chức trực bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng 24h/ngày tại các địa phương. Trong năm vừa qua, do thời diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hanh kéo dài trên diện rộng, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy rừng, cháy 263 ha rừng trồng và 186 ha rừng tự nhiên.
Công tác đấu tranh phòng chống vi phạm Luật Lâm nghiệp được triển khai thường xuyên, bằng nhiều giải pháp. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến và kinh doanh lâm sản; kịp thời pháp hiện, ngăn chặn và xư lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Năm 2019, toàn ngành đã kiểm tra phát hiện, lập hồ sơ 566 vụ vi phạm, trong đó xử lý hành chính 529 vụ, xử lý hình sự 3 vụ; khởi tố 1 vụ, tổng thu nộp ngân sách trên 2,4 tỷ đồng.
Theo ông Hoan: Công tác phát triển rừng trong năm vừa qua, ngành đã tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh giống lâm nghiệp, ban hành văn bản chỉ đạo đôn đốc các đơn vị chuẩn bị các điều kiện gieo ươm giống cây lâm nghiệp phục vụ cho các chương trình dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Rà soát, đề xuất kế hoạch khôi phục và phát triến rừng Tây Bắc Giai đoạn 2021 -2030. Kết quả năm 2019, toàn tỉnh đã trồng trên 1.700 ha rừng tập trung. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiếu số và hộ gia đình nghèo trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tại địa bàn các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, sốp Cộp, Bắc Yên và Phù Yên...
"Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các bản xây dựng qui ước, hương ước bảo vệ, phát triển rừng trong cộng đồng dân cư; bổ sung biển báo cấm chặt phá rừng tại các khu rừng của cộng đồng bản quản lý. Đồng thời, triển khai đầu tư hỗ trợ bảo vệ rừng theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tại các địa phương", ông Hoan cho hay.
Thời gian tới, ngành Kiểm lâm tỉnh đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với nhận thức, tập quán và điều kiện cụ thể của từng đối tượng. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của kiểm lâm địa phương trong việc đánh giá, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.