Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao tại Phú Thọ. Clip: Trường Quân
Việt Nam lọt top 5 thế giới xuất khẩu chè, nhưng nhiều ngịch lý
Ngày 5/11, tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (tỉnh Phú Thọ), Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức "Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao". Đây là hoạt động hướng tới Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000 ha, giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trái ngược với diện tích, năng suất chè tăng từ 85,9 tạ/ha lên 100,3 tạ/ha trong khoảng thời gian này, do thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, cây chè vẫn ghi nhận sự tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu.
Trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu 15 nghìn tấn chè, đem về 26 triệu USD, tăng 39,1% về lượng và tăng 39,3% về giá trị so với tháng 8/2024. Lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 108 nghìn tấn và 189 triệu USD; tăng 31,9% về lượng và tăng 34,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, Việt Nam là một nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Chè Việt Nam đã có mặt tại hơn 70 quốc gia vùng lãnh thổ.
"Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển của cây chè. Việt Nam có nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao với những thương hiệu chè nổi tiếng như Shan tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè Ô long Cầu Đất (Lâm Đồng)... Ngành chè thu hút lực lượng lao động lớn với hơn 6 triệu người từ 34 tỉnh thành.
Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia… Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới", ông Long khẳng định.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới. Có nhiều nguyên nhân gây ra khó khăn cho ngành chè, nhưng điểm mấu chốt là việc tổ chức, sản xuất và quản lý ngành chè ở các địa phương đang có quá nhiều bất cập.
Trong đó, nổi cộm là sự mất cân đối giữa công nghiệp chế biến và sản xuất nguyên liệu - tiêu thụ. Để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, cần có những giải pháp mang tính hệ thống từ sản xuất đến tiêu thụ.
"Nút thắt giá rẻ xuất phát từ tình trạng 'dễ mua, dễ bán' của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Thái độ mua bán dễ dãi khiến họ không trau chuốt, làm mới, đẩy ngành chè vào bẫy giá rẻ của thế giới.
Bên cạnh đó, ngành chè Việt Nam đối diện với tình trạng sản xuất manh mún, đầu tư nhỏ lẻ, chắp vá. Thời kỳ thị trường sôi động, các xưởng sản xuất 'mini' nổ ra, có tỉnh lên tới 100 xưởng sản xuất chè, dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán, dìm giá lẫn nhau.
Do đó, chúng ta phải tạo được liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng để thể thoát ra khỏi bẫy giá rẻ của thế giới; nâng cao giá bán chè", ông Long nhấn mạnh.
"Hiến kế" để hương chè Việt Nam bay xa, nâng giá trị sản phẩm
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thông tin, hiện nay, toàn tỉnh có trên 10 nghìn ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8,4 nghìn ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn.
Tuy nhiên, ngành diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, RA…) còn ít; sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, năng lực cạnh tranh thấp…
Vì vậy, ông Hải cho biết, thời gian tới Lai Châu tập trung phát triển bền vững cây chè theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới nhìn nhận, trong giai đoạn hiện nay, người sản xuất, chế biến và thương mại chè cần thay đổi về cách tư duy. Người lao động tham gia trong chuỗi giá trị chè có nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập.
"Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà đã thực sự trở thành cây làm giàu", ông Tuân nhấn mạnh và cho biết, là đơn vị xuất khẩu chè lớn của cả nước, đơn vị của ông hiện tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng thời, công ty của ông cũng tập trung đầu tư trang thiết bị, nâng cao công nghệ sản xuất túi lọc, đảm bảo công nghệ sản xuất chất lượng cao nhất. Đặc biệt là nói không với các chất bảo vệ thực vật không được phép.
Bên cạnh việc sản xuất chè theo cách truyền thống, doanh nghiệp tin rằng một số sản phẩm phụ trợ như làm bột matcha… ngày càng được thị trường đón nhận. Điều này đặt ra những vấn đề về tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.
Song hành với đầu tư công nghệ, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới dự kiến sẽ phát triển du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra 1 kênh tiêu thụ chè tại chỗ thông qua du lịch. Ông tin rằng, Việt Nam có nhiều sản phẩm chè được ướp độc đáo và tinh tế, đủ khả năng đưa lên tầm quốc bảo với giá trị cao hơn.
Cũng tại Diễn đàn, bà Võ Thị Nhung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết, tỉnh này có hơn 8 nghìn ha trồng chè, và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn thứ 3 cả nước với sản lượng chè búp tươi gần 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, giá trị cây chè trên địa bàn Nghệ An thấp so với các địa phương trồng chè trong cả nước, giá chè búp cao nhất cũng chỉ đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Đến với diễn đàn, bà Nhung mong muốn có những tư duy mới về sản xuất, tiếp cận thị trường, cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư cho ngành chè. Đặc biệt, việc thiết kế bao bì, nhãn mác sao cho đẹp, bắt mắt để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu.
"Những địa phương sản xuất chè mong mỏi Bộ NN-PTNT cùng chung trên 1 con tàu lớn, cùng chở quốc bảo chè của Việt Nam ra thế giới", bà Nhung nói và hy vọng "con tàu" này sẽ ngày càng đi xa, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho rằng, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp.
Theo đại diện Cục Trồng trọt, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA. Nâng cao năng lực chế biến cũng là một giải pháp thiết yếu.
Về khoa học kỹ thuật, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè Ô long, matcha và nước uống đóng chai từ chè.
Trong lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại, ông Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết. Các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.