Ông Tòng Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Tiêu chí thu nhập luôn được địa phương xem là tiêu chí quan trọng. Bởi, ngoài mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân còn giữ vai trò đòn bẩy, tạo động lực hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của người dân chính là nguồn lực quan trọng được huy động trong cả quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện 12 chủ trương của Ban Thường vụ huyện ủy về cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể từ xã đến các bản, tiểu khu đã làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng giúp nhân dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng liên kết, hữu cơ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định.
Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, như mô hình chăn dê nuôi nhốt gắn với trồng cỏ tại bản Lót Tiến cho thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/hộ/năm; mô hình nuôi lợn tại thôn Nà Cang; mô hình trồng xoài, nhãn ghép tại thôn Nà Cang, mô hình cây ăn quả có múi…... Các mô hình này đang giúp nhiều hộ dân trong xã vươn lên làm giàu.
Trước đây, gia đình chị Lê Thị Lan, thôn Nà Cang, xã Hát Lót đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh.
Chị Lan chia sẻ: "Lúc bắt đầu chuyển sang trồng giống bưởi da xanh, tôi cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Để có kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh, tôi thường xuyên học hỏi các kỹ thuật trồng bưởi da xanh trên sách báo, mạng internet. Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp được tổ chức tại địa phương để nắm bắt những kiến thức vào áp dụng vào thực tiễn.
Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng, cũng như giá trị của sản phẩm bưởi da xanh, tôi đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc vườn bưởi theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Nhờ vậy, vườn bưởi của gia đình tôi luôn sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng quả cao. Mỗi năm vườn bưởi của tôi cũng cho thu nhập từ vài trăm đến nửa tỷ đồng".
Tương tự, bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Nà Cang, xã Hát Lót chia sẻ: "Năm 2014, nhận thấy trồng ngô, trồng sắn hiệu quả kinh tế thấp, gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả. Với 1,5 ha diện tích đất sẵn có, tôi đã trồng bưởi diễn, bưởi da xanh và nhãn. Mới đây, tôi bán được hơn chục tấn bưởi da xanh với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Sắp tới, tôi dự kiến xuất bán khoảng 2.000 quả bưởi da diễn với giá 10.000 - 20.000 đồng/quả. Mỗi năm, gia đình tôi thu được hàng trăm triệu đồng từ việc bán bưởi và nhãn. Nếu so với cây ngô, sắn thì trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều".
Toàn xã Hát Lót hiện có trên 1.860ha cây ăn quả, trong đó 25ha xoài đã được chứng nhận VietGAP; 124ha xoài, nhãn được cấp mã số vùng trồng; 1.120ha cây ăn quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 770ha diện tích nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ.
Trong năm 2024, xã Hát Lót đã được UBND tỉnh công nhận 1 vùng xoài trên địa bàn xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 269,4ha với 400 hộ gia đình tham gia.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nâng cao giá trị trên một diện tích đất canh tác, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Hát Lót đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 từ 4,6% đến năm 2024 giảm xuống còn 2,2%. Hiện, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 74/74 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao, đó là sự nỗ lực đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã.