Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 01:58 PM (GMT+7)

Hành trình 27 năm thương hiệu gạo Bảo Minh

2023-01-15 13:33:00

27 năm qua, Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh dày công thực hiện liên kết chuỗi đem lại lợi ích to lớn cho nhà nông.

Hành trình 27 năm thương hiệu gạo Bảo Minh - Ảnh 1.

CEO Bùi Thị Hạnh Hiếu - Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh.

Chia sẻ với Dân Việt/Trang Trại Việt chiều cuối năm, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh nói: "Sứ mệnh cuộc đời tôi gắn liền với lúa gạo. Trải qua 27 năm với nhiều thăng trầm, chèo lái con thuyền Bảo Minh. Để người nông dân có thể hạnh phúc, thậm chí khá giả, giàu có trên chính cánh đồng của mình, từ nhiều năm qua, chúng tôi đã thiết lập liên kết chuỗi. Trong chuỗi, chúng tôi tính rất kỹ 1ha – 27 sào ruộng, có bao nhiêu sản lượng, mua của nông dân bao nhiêu".

Từ đó hình thành chuỗi liên kết 7 nhà mà theo như lời của CEO Bùi Thị Hạnh Hiếu từng nhiều lần tâm đắc nói, nhắc với tôi trong nhiều năm qua gồm: "Cơ quan nhà nước với việc tạo điều kiện về vùng trồng; Hội đồng khoa học giúp cho giải pháp về phân bón, giống, cây trồng, kỹ thuật; Tổ chức sản xuất là Bảo Minh; Nông dân hợp tác xã trồng theo quy trình; Các nhà bán lẻ; Nhà bank (ngân hàng) và cả Nhà báo nữa.

Hành trình 27 năm thương hiệu gạo Bảo Minh - Ảnh 2.

"Chúng tôi cũng đòi cần sự quy hoạch vùng, vùng hữu cơ phải đảm bảo nguồn nước và ưu thế trồng cái gì cụ thể. Bảo Minh cũng có Hội đồng khoa học đồng hành, hỗ trợ, giúp sức. Hội đồng khoa học của Bảo Minh với nhiều chuyên gia, nhà khoa học về lúa gạo đầu ngành của nước ta hiện nay.

Chúng tôi đặt hàng, từ đặt hàng đó, chúng tôi cung cấp vật tư nông nghiệp như giống, phân bón đầu vào để san sẻ gánh nặng cho nông dân.

Đặc biệt, chúng tôi thu mua ngay tại cánh đồng và đưa vào nhà máy để sấy mà bà con không cần phải sấy. Đương nhiên, chúng tôi trả tiền trọn gói một lần. 

Với những câu hỏi như "làm gì để giúp nông dân bám đồng ruộng", quy trình 7 nhà như thế nào cho khoa học và khả thi cũng khiến cá nhân tôi trăn trở hàng nghìn đêm để rồi tính toán kỹ, bắt tay vào thực hiện" - CEO Bùi Thị Hạnh Hiếu nói với tôi.

Ngay vùng trồng lúa gạo hữu cơ tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gần đây thôi. Trước đây, vùng trồng này canh tác theo lối truyền thống và có lúc quá lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu nên khiến nước, đất, không khí đều bị ảnh hưởng.

Từ khi Bảo Minh hiện diện, những hạt gạo hữu cơ tại Đồng Phú đã xuất khẩu sang nhiều thị trường yêu cầu rất ngặt nghèo về chất lượng.

Cụ thể, gạo hữu cơ Đồng Phú đáp ứng thị trường Mỹ theo tiêu chuẩn chứng nhận USDA xuất khẩu EU và Mỹ.

Hành trình 27 năm thương hiệu gạo Bảo Minh - Ảnh 4.

CEO Bùi Thị Hạnh Hiếu.

Đặc biệt, từ khi nông dân Đồng Phú chuyển hướng sang canh tác lúa gạo hữu cơ có sự đồng hành của Bảo Minh, không chỉ hạt gạo nâng tầm về thương hiệu, chất lượng, giá trị (thay vì sản xuất lạm dụng hóa chất tăng số lượng nhưng giá trị thấp - NB), chất lượng cuộc sống cũng tăng lên, môi trường thân thiện, bình yên, trong lành khác hẳn so với trước đây.

"Sản xuất lúa gạo hữu cơ là nhằm tăng giá trị chứ không phải chỉ số lượng. Doanh nhân, doanh nghiệp lấy uy tín của mình ra cam kết với đối tác, bạn hàng. Nhưng để thực hành uy tín đó phải là từ người nông dân.

Sản xuất lúa, gạo Đồng Phú đáp ứng thị trường Mỹ. Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La) nổi tiếng trong câu ca 'Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc' cho thị trường Thụy Sĩ, Thụy Điển...

Thị trường gạo hữu cơ còn rất lớn tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tới đây, Bảo Minh sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành để người nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất như lâu nay sang hữu cơ nên rất cần sự động viên, tạo điều kiện từ Nhà nước, Bộ, ngành.

Người viết bài này rất tâm đắc với câu nói của CEO Bùi Thị Hạnh Hiếu -  Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh rằng: "Một khi nông dân xác định rằng sẽ gắn bó với đồng lúa, là an ninh lương thực, là sứ mệnh thì chỉ có một con đường là canh tác, sản xuất rất nghiêm túc. Mà để người nông dân làm nghiêm túc có được hay không? Hoàn toàn được nhưng cần có chính sách khuyến khích từ Nhà nước, Bộ ngành như thời gian qua và có đặt hàng nhiều hơn từ doanh nghiệp".

Phải là người gắn bó với nông dân ra sao, như thế nào mới thấu hiểu rõ được những điều đó...

Ngọc Thọ