dd/mm/yyyy

Hà Nội: Nông sản chế biến lãi gấp 2-3 lần sản phẩm thô, vì sao vẫn ít người làm?

Sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt sau khi dịch Covid-19 tác động mạnh đến chuỗi sản xuất - cung ứng.

Do vậy, phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản thực phẩm được coi là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu...

Đó là nội dung của hội nghị "Giải pháp nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản của TP. Hà Nội" diễn ra sáng ngày 26/5.

Đáp ứng đòi hỏi này, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, từ đó nâng cao năng lực chế biến nông sản.

Tạo nguồn lực, nâng cao năng lực chế biến

Nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản của Thủ đô - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị “Giải pháp nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản của TP.Hà Nội” diễn ra sáng ngày 26/5. Ảnh: H.L

"Trước mắt, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ với các cây trồng chủ lực như: Rau, cây ăn quả..; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, tăng thêm các cửa hàng, điểm bán và hình thành các nhóm tiêu thụ rau an toàn tại khu dân cư…".

Ông Tạ Văn Tường -

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội

Có mặt tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh) chia sẻ, lương thực, thực phẩm là những mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn, nên chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế này. 

Chưa kể, sản phẩm chế biến còn cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô.

"Hiện công ty chúng tôi có hàng chục sản phẩm như giò, chả, xúc xích, dồi sụn… Còn nhớ những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng hàng thực phẩm chế biến bán ra thị trường của công ty tăng 15-20%. 

Mặc dù ra đời đúng vào thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp (năm 2020) nhưng nhờ nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà sản phẩm của công ty vẫn đạt doanh thu 5 tỷ đồng/năm "- ông Nguyễn Xuân Tuấn cho biết thêm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt (huyện Thanh Trì) chuyên chế biến các sản phẩm từ thịt lợn thời gian qua cũng tăng lượng hàng 15-20%. Sản phẩm chế biến dễ làm thủ tục lưu thông và thời gian bảo quản được lâu hơn, nên mang lại giá trị kinh tế cao.

Khẳng định, công nghiệp chế biến là một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản…, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản của Thủ đô - Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất thịt lợn sạch tại Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt (huyện Thanh Trì). Ảnh: Viết Thành

Tuy nhiên, trong số hơn 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản, chỉ có 250 doanh nghiệp, còn lại là các hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể. 

Chủ yếu sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến tại Hà Nội là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%); mỗi tháng cung cấp khoảng 1.000 tấn sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm chế biến của thành phố hiện là 5.165 tấn/tháng…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Bộ NNPTNT) với thị trường lớn, có nhiều điều kiện kết nối, hệ thống vận chuyển, kho bãi... thuận lợi thì số lượng doanh nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội hiện còn "khiêm tốn".

Mặt khác, công nghệ chế biến ở các hợp tác xã, hộ sản xuất còn lạc hậu, công suất thấp. Trong thời gian tới, cần quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với hệ thống chế biến; nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp gắn với hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản chế biến, đồng thời tiếp tục phát triển hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cũng như nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho chế biến nông sản.

Tăng cường liên kết để phát triển

Tại hội nghị, GS - TS Nguyễn Văn Khôi - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đã trình bày thực trạng bảo quản nông sản tại Việt Nam cũng như một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả.

"Để đạt được mục tiêu TP.Hà Nội đề ra về bảo quản, chế biến nông sản, chúng ta cần mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để ngành chế biến nông sản Thủ đô phát triển như định hướng đề ra" - ông Khôi nhận định.

Thành công của nông nghiệp Thủ đô trong thời gian vừa qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, khó khăn vẫn đang ở phía trước. 

Không chỉ phải đối mặt với thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, ngành nông nghiệp còn phải giải quyết nhiều bất cập như: Sản xuất chưa có bứt phá, chưa phát huy được lợi thế của kinh tế nông thôn, kinh tế trang trại; còn những vấn đề trong bảo quản, chế biến nông sản… 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, sự hỗ trợ về công nghệ, của khu vực công nghiệp, dịch vụ cho nông nghiệp chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, nhất là lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nông sản.

Ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư cho chế biến, phát triển con giống…, ngành nông nghiệp Hà Nội cần củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp - nông thôn… 

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề…

Đặc biệt, để thích ứng với điều kiện mới, vấn đề cần ưu tiên của nông nghiệp Hà Nội là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu công nghệ cao, công nghệ số trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; đồng thời tăng cường sự kết nối, hình thành một nền nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị gia tăng… 


Hồng Liên