dd/mm/yyyy

Giải pháp giúp xã nghèo vùng cao Sơn La vươn lên

Cách trung tâm huyện hơn 100 km, xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là xã vùng 3 có 15/15 bản đặc biệt khó khăn với 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 75% khiến câu chuyện giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trở thành là bài toán nan giải.

Clip: Chủ tịch UBND xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ về những khó khăn của xã.

Tại sao tỷ lệ hộ nghèo của xã Chiềng Nơi vẫn còn cao?

Những ngày đầu tháng 8/2022, chúng tôi đi xe gắn máy từ Thành phố Sơn La đến trung tâm xã Mường Chanh rồi vượt thêm hơn 20km đường đất nữa mới vào đến xã Chiềng Nơi. Tuyến đường này hiện đang được cải tạo, nâng cấp nên đi lại vô cùng gian nan. Đến UBND xã Chiềng Nơi, chúng tôi được ông Cầm Văn Trực, Chủ tịch UBND xã chia sẻ về những khó khăn, nhọc nhằn ở xã vùng cao này.

Giải pháp nào để giúp xã nghèo vùng cao Sơn La vươn lên - Ảnh 2.

Đường liên xã Mường Chanh - Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Cầm Văn Trực, thẳng thắn: Tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn cao lắm, cả xã chưa có mô hình kinh tế nào nổi bật. Xã có 20 ha đất ruộng trồng 2 vụ lúa/năm, còn lại bà con trồng lúa nương. Khí hậu khắc nghiệt gây ra nhiều thiệt hại cho nông nghiệp, có thời điểm hạn hán kéo dài làm cho lúa, ngô, sắn, ý dĩ gieo trồng lần đầu không nảy được mầm. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, bà con chủ yếu trồng ngô, sắn, lúa nương trên đất dốc bạc màu, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Giải pháp nào để giúp xã nghèo vùng cao Sơn La vươn lên - Ảnh 3.

Là xã vùng 3 của huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), Chiềng Nơi có 15/15 bản đặc biệt khó khăn. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Cầm Văn Trực, một trong những nguyên nhân khiến đời sống của người dân còn nhiều khó khăn là do hệ thống đường giao thông liên bản chủ yếu là đường đất. Vào mùa mưa, đường bị sạt lở, lầy lội, ra vào xã rất vất vả; toàn xã mới bê tông hóa được hơn 1 km đường nội bản Huổi Sàng. Từ đó, gây nhiều cản trở trong sinh hoạt và lưu thông, trao đổi hàng hóa nông sản của người dân.

Đến bản vùng cao Huổi Lặp, một trong những bản xa nhất của xã Chiềng Nơi, với hơn 20km đường vào bản hoàn toàn là đường đất.

Anh Giàng A Tú, Trưởng bản Huổi Lặp, thông tin: Cả bản có 25 ha đất sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng sắn, lúa nương năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên cái nghèo vẫn đeo bám. Cả bản Huổi Lặp có 40 hộ dân, 100% là đồng bào Mông sinh sống, trong đó có 3 hộ ở diện thoát nghèo.

Giải pháp nào để giúp xã nghèo vùng cao Sơn La vươn lên - Ảnh 4.

Người dân xã vùng cao Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn chủ yếu trồng ngô, sắn năng suất thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Ảnh: Mùa Xuân.

Đất sản xuất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất khô cằn, trồng sắn, ngô. Chăn nuôi của bản manh mún, nhỏ lẻ. Mùa mưa đường lầy lội, thương lái không vào được bản để thu mua nông sản của bà con hoặc thường bị ép giá...

Giải pháp nào để xã Chiềng Nơi vươn lên?

Hiện nay, ngoài thâm canh 20 ha ruộng; hơn 442 ha lúa nương; hơn 880 ha ngô, sắn. Người dân xã Chiềng Nơi đang từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nổi bật là việc chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cà phê… Nhờ vậy, đến nay, toàn xã đã trồng được 261 ha cây cà phê; trồng 63,4 ha cây sơn tra; gần 100 cây ăn quả, như mận, xoài, nhãn, cam.

Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xã đang chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng gần 15 ha cỏ gắn phục vụ chăn nuôi đại gia súc tại các bản trên địa bàn xã; tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp (cây ngô ngọt, ngọn mía, rơm rạ..) làm thức ăn dự trữ cho gia súc vào mùa đông. Hiện xã Chiềng Nơi đang duy trì hơn 1.400 con trâu, bò; 1.750 con dê; 1.150 con lợn; 26.250 con gia cầm các loại.

Giải pháp nào để giúp xã nghèo vùng cao Sơn La vươn lên - Ảnh 5.

Chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đang là một giải pháp được người dân lựa chọn để nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài ra, xã chỉ đạo cán bộ thú y xã tăng cường phối hợp với Ban quản lý các bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn các bản kiểm dịch theo đúng quy định, phun tiêu độc, khử trùng định kỳ.

Ông Cầm Văn Trực, Chủ tịch UBND xã Chiềng Nơi, cho biết thêm: Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã Chiềng Nơi mới đạt hơn 6 triệu đồng/người/năm. Do vậy, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả. Nhất là đưa các loại cây, con giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất.

Giải pháp nào để giúp xã nghèo vùng cao Sơn La vươn lên - Ảnh 6.

Xã Chiềng Nơi có 15/15 bản, 100% đường liên bản là đường đất nên việc giao thương hàng hóa nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Mùa Xuân.

“Xã mong muốn các cấp, các ngành của tỉnh Sơn La quan tâm tạo điều kiện nâng cấp, trải nhựa tuyến đường liên xã Nậm Lầu (huyện Thuận Châu), xã Nậm Ty (huyện Sông Mã) để tạo thuận tiện cho bà con đi lại, giao thương hàng hóa giữa các bản trong xã và ngoài xã khác”. Ông Trực nói.

Chia tay bà con xã vùng cao Chiềng Nơi khi những tia nắng khuất dần sau núi, chúng tôi vẫn nhớ câu nói đầy trăn trở của Chủ tịch UBND xã Chiềng Nơi rằng bao giờ giao thông đi lại thuận tiện thì bà con ở xã vùng cao này trồng cây gì, nuôi con gì đều sẽ mang ra chợ bán được. Đây cũng là niềm mong mỏi của hàng nghìn hộ dân ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn Chiềng Nơi. 

Mùa Xuân