"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Những mùa quả ngọt ở vùng cao Tây Bắc (Bài 3)

Bình Minh Thứ tư, ngày 08/11/2023 12:15 PM (GMT+7)
Nhờ liên kết nông dân- doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, các hộ gia đình ở huyện Tuần Giáo, Mường Ảng (Điện Biên), Than Uyên (Lai Châu) chúng tôi gặp đều cho biết: Rất vui mừng khi đã thuần thục kỹ thuật canh tác xoài, bưởi, mít... đặc biệt, không phải lo đầu ra sản phẩm khi đã có doanh nghiệp cam kết thu mua tận vườn.
Bình luận 0

Tìm đầu ra cho nông sản là nhiệm vụ hàng đầu

Nếu như trước đây bà con vùng cao Tây Bắc thường chỉ cấy lúa, trồng ngô theo hướng “tự cung tự cấp”. Nhưng trong 5 năm trở lại đây, phát huy tiềm năng về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, sự cần cù, chịu khó của người dân... cùng với những chính sách đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các mô hình liên kết đã tạo sức hút, điểm đến của nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Tây Bắc.

Tây Bắc thuộc vùng “lõi nghèo” của cả nước, đa phần người dân sinh sống dựa vào canh tác nông nghiệp, bởi vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Phạm Thị Tuyên, hay Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa Tòng Văn Chức (huyện Than Uyên) bảo với tôi rằng, các cấp chính quyền không chỉ giúp nông dân "cần câu, con cá", mà còn phải giải bài toán đầu ra cho nông sản, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Những mùa quả ngọt ở vùng cao Tây Bắc (bài 3) - Ảnh 1.

Mô hình trồng bưởi da xanh của nông dân huyện Mường Ảng (Điện Biên) liên kết với Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc. Ảnh: Minh Ngọc

Tại tỉnh Điện Biên, thực hiện chủ trương phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao, từ năm 2018, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện các dự án phát triển cây ăn quả theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sau 3 năm, nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch.

Các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên khi triển khai dự án đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Phạm Thị Tuyên cho biết, thông qua các mô hình liên kết này đã bước đầu giúp thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; từng bước xây dựng cây ăn quả thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phù hợp với tiềm năng và lợi thế từng địa phương. Sản phẩm cây ăn quả được kiểm định chất lượng, cam kết tiêu thụ qua đó nâng cao giá trị nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Những mùa quả ngọt ở vùng cao Tây Bắc (bài 3) - Ảnh 2.

Mô hình kết hợp trồng xoài, bưởi của nông dân huyện Mường Ảng (Điện Biên)

Còn đối với huyện Mường Ảng, năm 2018 triển khai Dự án Liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới với 2 loại cây: Xoài Ðài Loan và bưởi da xanh. Bắt đầu từ tháng 6/2021, thực hiện hợp đồng liên kết, Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc (đơn vị ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài với người dân) đã thu mua xoài cho bà con nông dân.

Anh Nguyễn Ðức Thành, bản Na Luông, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) cho biết, tham gia dự án liên kết sản xuất cây ăn quả từ năm 2018. Vụ xoài đầu tiên đã cho sản lượng gần 2 tấn quả. "Tham gia mô hình tôi được cán bộ phòng chuyên môn của huyện, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoài. Áp dụng đúng những kiến thức đã được học, kết hợp tìm hiểu thêm trên mạng internet và trao đổi với các hộ trong vùng liên kết nên vườn xoài của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Ðối với gia đình tôi, trồng xoài cho hiệu quả về kinh tế cao hơn các loại cây trồng truyền thống, đồng thời yên tâm đầu ra sản phẩm".

"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Những mùa quả ngọt ở vùng cao Tây Bắc (bài 3) - Ảnh 3.

Niềm vui của nông dân xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) khi tham gia mô hình liên kết trồng mít siêu sớm TL1 của Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc. Ảnh: Bình Minh

Những mùa quả ngọt nơi vùng cao Tây Bắc

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai và khí hậu phù hợp với các loại cây ăn quả ôn đới, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn phát triển, mở rộng vùng trồng cây ăn quả theo chuỗi liên kết. Qua đó, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ nghèo ở địa phương.

Đầu năm nay, bà con của xã Mường Mô (Nậm Nhùn) đã trồng hơn 40ha cây xoài Đài Loan theo chuỗi liên kết với Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc. Anh Lù Văn Binh ở bản Nậm Hài hồ hởi chia sẻ: "Gia đình tôi trồng 320 cây xoài theo dự án liên kết. Toàn bộ khu vực trồng xoài này, trước đây trồng sắn, năng suất cũng không cao lắm nhưng cũng có sản phẩm để bán và thức ăn cho gia súc. Tham gia trồng xoài sẽ có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn".

"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Những mùa quả ngọt ở vùng cao Tây Bắc (bài 3) - Ảnh 4.

Nông dân huyện Mường Ảng (Điện Biên) chăm sóc vườn trồng mít, bưởi da xanh sau khi liên kết với Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc. Ảnh: Nguyễn Chương

Anh Binh cũng cho biết, tham gia dự án liên kết trồng xoài, gia đình tôi được hỗ trợ 100% về cây giống và phân bón trong 3 năm đầu để cải tạo đất. Lúc trồng đều có cán bộ xã xuống hướng dẫn kỹ thuật đào hố để trồng, chăm sóc cây lúc mới trồng, vậy nên gia đình anh rất yên tâm để sản xuất.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp mới đảm bảo quan hệ cung - cầu hài hòa, nông dân tránh được tình trạng được mùa mất giá. Qua đó, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Tòng Văn Chức - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa (Than Uyên - Lai Châu)

Đến hướng dẫn kỹ thuật mô hình trồng mít siêu sớm TL1 ở xã Tà Hừa, nói với Dân Việt, đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên cho biết, trong những năm qua, liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả được huyện xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm như: nhãn chín muộn tại Phúc Than (7ha, 75 hộ tham gia); bưởi da xanh ở các xã Mường Mít, Mường Than, Mường Cang, Hua Nà với diện tích 31,8ha, 237 hộ tham gia; xoài Đài Loan tại xã Ta Gia 12ha, 43 hộ và xã Mường Cang 2,43ha, 17 hộ; ổi Đài Loan ở xã Hua Nà 4ha, 7 hộ; mít siêu sớm TL1 Tà Hừa 6,4ha.

"Khi tham gia mô hình liên kết, bà con rất phấn khởi khi được Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất, tổ chức tập huấn cho nông dân theo tiêu chuẩn VietGap và hướng tới hình thành hợp tác xã cây ăn quả trên nền tảng các hộ tham gia. Về tiêu thụ, Công ty sẽ hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhãn, bưởi, xoài, mít, ổi cho nông dân", đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên chia sẻ.

"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Những mùa quả ngọt ở vùng cao Tây Bắc (bài 3) - Ảnh 7.

Mô hình trồng na sầu riêng ở huyện Mường Ảng (Điện Biên). Ảnh: Nguyễn Chương

Trong chuyến công tác cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Huy Đức - Phó Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc đến các mô hình liên kết trồng cây ăn quả tại một số xã của huyện Tuần Giáo, Mường Ảng (Điện Biên) và Than Uyên (Lai Châu).

Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc là một trong những doanh nghiệp điển hình triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Anh Đức cho biết, năm 2018, đơn vị đã đưa một số giống cây ăn quả lên vùng cao Tây Bắc và sau 5 năm, cây đã ăn sâu, bám rễ, hình thành vùng chuyên canh trồng bưởi da xanh, xoài, nhãn... mang lại những mùa quả ngọt cho đồng bào nơi vùng cao Tây Bắc.

Để tiếp tục xây dựng và hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, anh Đức cũng cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Lai Châu và Điện Biên phê duyệt cho Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc được xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản hoa quả tươi tại huyện Mường Ảng và huyện Phong Thổ.

"Nhà máy hoạt động sẽ không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy mà sẽ còn thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết, giúp bà con nâng cao thu nhập...", anh Đức khẳng định.

Sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, tăng liên kết với nông dân

Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Văn Toàn – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp HT Miền Bắc cho biết: "Đến nay, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu 1.000ha cây ăn quả, tập trung vào một số chủng loại cây ăn quả chủ lực của công ty như: mít, na, vú sữa, lê, xoài... trên địa bàn khắp các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang,..... thông qua hình thức liên kết sản xuất và cam kết tiêu thụ sản phẩm với các Tổ hợp tác/Hợp tác xã. Với những kết quả đạt được, công ty đã tạo dựng được chỗ đứng, khẳng định được vị trí và uy tín của mình với vai trò là một mắt xích quan trọng trong mối liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương".

"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Những mùa quả ngọt ở vùng cao Tây Bắc (Bài 3) - Ảnh 7.

"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Những mùa quả ngọt ở vùng cao Tây Bắc (Bài 3) - Ảnh 8.

Ông Hoàng Văn Toàn- Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp HT Miền Bắc cho biết: "Thời gian tới, công ty sẽ liên kết với các đơn vị sở hữu những giống cây ăn quả mới như Mít siêu sớm TL1, mít ruột đỏ IĐ1, na SR-1, vú sữa HK-1,... có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường cả về chế biến và ăn tươi".

Theo ông Toàn, trong thời gian tới công ty tiếp tục liên kết với các hộ dân mở rộng các vùng nguyên liệu cây ăn quả chủ lực của công ty, định hướng đến năm 2025 sẽ xây dựng được 10.000ha mít, 1.000ha na và các loại cây ăn quả khác. Trên 80% diện tích vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo đủ tiêu thụ xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ông Toàn cho biết, đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tạo thành một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững như: Liên kết với các đơn vị sở hữu những giống cây ăn quả mới như Mít siêu sớm TL1, mít ruột đỏ IĐ1, na SR-1, vú sữa HK-1,... có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường cả về chế biến và ăn tươi.

Hợp tác với đơn vị, cơ quan nghiên cứu có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm triển khai thực tế để đảm bảo việc tổ chức thực hiện và quản lý việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng nguyên liệu.

Để các vùng nguyên liệu được khai thác hiệu quả, bền vững, đem lại lợi ích cho những người nông dân tham gia liên kết, chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm từ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, đến việc xây dựng thương hiệu và chủ động trọng việc nghiên cứu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư Rau quả Việt Nam trong việc khai thác và phát triển các thị trường tiềm năng như: thị trường Trung Quốc (chiếm 60% thị phần), EU và một số nước khác trong khu vực; đề xuất chủ trương xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến và xuất khẩu hoa quả tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế tối đa mọi sự rủi ro và biến động của thị trường có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân.









Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem