Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:41 AM (GMT+7)
Giá urê liên tục lập đỉnh, Phân bón Cà Mau tạm ngưng nhà máy 2 tuần có bị mất lợi thế?
2023-08-19 13:27:00
Giá urê thế giới liên tục lập đỉnh trong vài tháng trở lại đây. Nhà máy đạm Cà Mau lại đang tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng. Doanh nghiệp cho biết đã nắm bắt được cung cầu nên lượng hàng dự trữ đủ để cung ứng thị trường trong 2 tuần bảo dưỡng.
Giá Urê liên tục lập đỉnh
Giá urê thế giới liên tục tăng từ đầu tháng 6 tới nay và hiện giao dịch ở hơn 400 USD/tấn do thị trường thiếu hụt nguồn cung bất ngờ. Với mức giá này, urê đang trở về vùng giá hồi đầu năm nay và lập đỉnh mới trong vòng 6 tháng trở lại đây.
Các thị trường urê lớn của thế giới như Trung Quốc, Trung Đông đều ghi nhận giá urê tăng liên tục.
Ước tính của BVSC cho thấy, tính tới cuối tháng 7/2023, giá urê thế giới đã tăng 60% kể từ vùng đáy giữa tháng 6.
Theo dự đoán, dù khó có thể quay lại mốc rất cao của năm 2022 nhưng nhiều tín hiệu cho thấy giá urê thế giới đang leo thang trở lại trước khó khăn chung của thị trường, trong đó, tác động lớn là các quốc gia sản xuất urê có lệnh hạn chế hoặc cấm xuất khẩu.
Giá urê thế giới tăng vọt, các doanh nghiệp sản xuất urê, phân bón lớn trong nước được dự báo sẽ hưởng lợi trước làn sóng này.
Dù vậy, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM) cho biết đang tiến hành bảo dưỡng tổng thể nhà máy Đạm Cà Mau đến ngày 28/8. Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn urê hạt đục mỗi năm.
Theo doanh nghiệp, đây là lần bảo dưỡng thứ 12, một hoạt động thường niên quan trọng của công ty. Đồng thời, thời gian bảo dưỡng trùng với thời điểm dừng cấp khí ngoài giàn và thời điểm thấp vụ của người nông dân.
PVCFC khẳng định do có sự chuẩn bị, nắm bắt được cung cầu nên lượng hàng dự trữ đủ để cung ứng thị trường.
Từ đầu tháng 8 đến nay, Phân bón Cà Mau đã cung ứng ra thị trường hơn 100.000 tấn các loại, trong đó, có hơn 60.000 tấn urê và gốc urê các loại, hơn 30.000 tấn NPK Cà Mau các loại, gần 20.000 tấn các sản phẩm khác như DAP, Kali, N.Humate+TE và hữu cơ Cà Mau phục vụ nhu cầu sản xuất trong và ngoài nước.
Ngoài lượng hàng trên, PVCFC cũng cho biết phân bón Cà Mau đã chuẩn bị sẵn hơn 100.000 tấn sản phẩm các loại tại các kho khu vực, đảm bảo đủ cung ứng phục vụ nhu cầu của hệ thống và nông dân trong thời gian tới.
Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ bảo dưỡng ra sao?
Theo PVCFC, nhà máy Đạm Cà Mau đã trải qua một thời gian dài hoạt động, nhiều trang thiết bị cần thay thế, bảo trì kỹ lưỡng, nhất là trong các hạng mục chính, yêu cầu sự chuẩn bị phải thật chi tiết, kỹ lưỡng. Năm 2023, Nhà máy dự kiến bảo dưỡng khoảng 2.600 hạng mục lớn, nhỏ.
Từ những ngày giữa tháng 7, nhà máy này đã tổ chức các hội thảo về công tác an ninh, an toàn, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả trong đợt bảo dưỡng năm 2023.
Đại diện doanh nghiệp cho biết ông Nguyễn Đắc Tuyên - Phó Giám đốc nhà máy Đạm Cà Mau, là chỉ huy trưởng công trường năm nay. Hiện toàn bộ cán bộ nhân viên của nhà máy tập trung, nỗ lực hết mình để thực hiện tốt nhất từng nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.
Nhà máy dự kiến hoàn thành bảo dưỡng ngày 28/8 và sẽ tiếp tục hoạt động ổn định, cung cấp sản phẩm ra thị trường, nhất là các dòng phân bón chất lượng cao như urê hạt đục, NPK sử dụng công nghệ Polyphosphate.
Năm 2022, Phân bón Dầu khí Cà Mau đạt tổng doanh thu 16.241 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.321 tỷ đồng, đều vượt các mục tiêu đề ra. 5 tháng đầu năm nay, PVCFC đã tiêu thụ 385.000 tấn phân bón, vượt 28% so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết quý I/2023, sản lượng phân bón xuất khẩu của PVCFC ghi nhận lên đến hơn 100.000 tấn.
Tags:
Chủ vườn cây ăn trái ở miền Tây thêm tiền bỏ túi nhờ phân bón NPK công nghệ Polyphosphate
Những mô hình trình diễn phân bón NPK Cà Mau công nghệ Polyphosphate với nhiều tính năng nổi trội, giúp người trồng cây ăn trái ở miền Tây tiết kiệm chi phí, thu lợi nhuận cao.