Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:42 AM (GMT+7)

Nước ngoài hạn chế xuất khẩu, giá urê lập đỉnh, Phân bón Dầu khí Cà Mau, Phân bón Hóa chất Dầu khí cùng hưởng lợi

2023-08-01 22:24:00

Giá urê lập đỉnh 3 tháng khi thế giới xảy ra các nghi ngại về thiếu hụt nguồn cung, các thị trường lớn hạn chế xuất khẩu. Trong nước, nguồn cung urê vẫn dồi dào. DCM và DPM sẽ tiếp tục hưởng lợi.

GIÁ URÊ LIÊN TỤC TĂNG, LẬP ĐỈNH TRỞ LẠI

Giá urê thế giới liên tục tăng trong 5 tuần qua do thị trường thiếu hụt nguồn cung bất ngờ. Các thị trường urê lớn của thế giới như Trung Quốc, Trung Đông đều ghi nhận giá urê tăng liên tục, thậm chí lập đỉnh mới trong chu kỳ 3 tháng trở lại đây.

Các nước hạn chế xuất khẩu, giá urê lập đỉnh, DCM và DPM tiếp tục hưởng lợi - Ảnh 1.

Diễn biến giá urê tại thị trường Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, giá urê cuối tuần 28/7 đóng cửa ở ngưỡng 365 USD/tấn. Sang đầu tuần này, giá urê tiếp tục nhích tăng lên vùng 370 USD/tấn. Đây là tuần thứ sáu giá urê tại thị trường Trung Quốc tăng và đang chạm mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. 

Trung Quốc đang xuất hiện những mối lo ngại khi chính sách hạn chế xuất khẩu urê trở lại do liên quan vấn đề an ninh lương thực. Giá urê tại các địa phương ở Trung Quốc đang lập những mức khác nhau nhưng điểm chung đều là tăng mạnh so với 3 tháng gần nhất.

Tại khu vực Trung Đông, giá urê thiết lập mức đỉnh mới trong vòng 3 tháng với mức giá vượt 380 USD/tấn. Tại châu Phi, đã có hiện tượng cắt giảm sản lượng xuất khẩu do thiếu hụt nguồn cung khí đốt trầm trọng. 

Dù chưa phải ở mức đỉnh như hồi cuối năm 2021 nhưng giá urê đang tăng, đặc biệt các nước đang hạn chế lượng urê xuất khẩu có thể khiến các doanh nghiệp sản xuất u rê trong nước hưởng lợi.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu urê của nước ta mỗi năm chỉ khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực sản xuất urê của 4 nhà máy đạm lớn nhất Việt Nam đã khoảng 3 triệu tấn, riêng Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM) và Tổng Công ty Phân bón, hóa chất dầu khí (PVFCCo, HoSE: DPM) đã chiếm đến gần 60% sản lượng cả nước. 

Nguồn cung urê trong nước dồi dào, sản lượng sản xuất luôn vượt nhu cầu nội địa. Giá urê tăng cao, thế giới thắt chặt xuất khẩu có thể giúp các “ông lớn” trong ngành hưởng lợi.

XUẤT KHẨU URÊ CỦA DPM VÀ DCM LẬP KỶ LỤC

Thực tế, trong giai đoạn Covid-19, khi nhu cầu urê thế giới cao, giá bán vọt tăng, DCM và DPM đã đẩy mạnh xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu urê của hai “ông lớn” này tăng vọt trong giai đoạn 2020 - 2022. Năm 2022, cả DCM và DPM đều ghi nhận sản lượng sản xuất urê tăng kỷ lục.

Các nước hạn chế xuất khẩu, giá urê lập đỉnh, DCM và DPM tiếp tục hưởng lợi - Ảnh 2.

Nửa đầu năm 2023, DCM xuất khẩu urê đạt doanh thu 1.316 tỷ đồng. Ảnh: DCM

Năm 2022, DCM ghi nhận doanh thu từ xuất khẩu urê tăng vọt lên đến 5.818 tỷ đồng, con số này tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Thậm chí, giá trị xuất khẩu urê của Đạm Cà Mau năm 2022 gần bằng doanh thu urê bán trong nước. 

Theo DCM, năm 2022, đứng trước bức tranh toàn cảnh nhiều biến động của thị trường phân bón trong và ngoài nước, doanh nghiệp đã có những chiến lược thích ứng linh hoạt, chủ động, tích cực nhằm điều tiết hài hòa giữ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; vừa góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia vừa đảm bảo tối đa xuất khẩu, củng cố thêm mục tiêu chinh phục các thị trường quốc tế cả về chiều sâu và chiều rộng.

6 tháng đầu năm nay, giá urê thấp hơn so với năm 2022, dù vậy doanh thu từ urê xuất khẩu vẫn mang về cho DCM 1.316 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2022, DPM ghi nhận sản lượng xuất khẩu urê đạt 191.000 tấn, gấp 3 lần năm trước. Trên báo cáo tài chính, DPM dù không phân chia rõ ràng doanh thu xuất khẩu urê hay NPK, nhưng giá trị khẩu trong năm 2022 cũng tăng vọt, lên đến 3.348 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ ghi nhận 888 tỷ.

 Doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 18% trong tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của DPM.

“Mặc dù sản lượng bán hàng trong nước sụt giảm nhưng đã được bù đắp khi nhu cầu xuất khẩu và giá bán tăng cao, qua đó hỗ trợ tăng trưởng mạnh với doanh thu, lợi nhuận đều đạt mức cao kỷ lục”, ông Hoàng Trọng Dũng - Chủ tịch HĐQT PVFCCo nhận định về giá trị xuất khẩu urê năm 2022.

DCM VÀ DPM SẼ TIẾP TỤC HƯỞNG LỢI

Theo DPM, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) dự kiến trong năm 2023 năng lực sản xuất phân urê trên thế giới có thể được điều chỉnh giảm ở Nga, Ukraine và Belarus (dựa trên khả năng xuất khẩu của các nước này bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế và các vấn đề liên quan đến logistics ở Ukraine). Nguồn cung ở Tây và Trung Âu cũng được điều chỉnh dựa trên nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên bị gián đoạn từ Nga.

Nước ngoài hạn chế xuất khẩu, giá urê lập đỉnh, Phân bón Dầu khí Cà Mau, Phân bón Hóa chất Dầu khí cùng hưởng lợi - Ảnh 4.

Giá urê lập đỉnh 3 tháng khi thế giới xảy ra các nghi ngại về thiếu hụt nguồn cung, các thị trường lớn hạn chế xuất khẩu. Trong nước, nguồn cung urê vẫn dồi dào. Ảnh: DPM

Trong tình hình này, cả hai “ông lớn” nhiều khả năng sẽ tiếp tục chớp lấy thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu.

DCM cho biết trong năm 2023, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm cốt lõi urê tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động triển khai kênh xuất khẩu hợp lý tùy từng thời kỳ, giúp duy trì sản xuất liên tục và giảm tồn kho, dư thừa nguồn cung nội địa.

Báo cáo tài chính quý II/2023 của DCM vừa công bố, cho biết lượng hàng tồn kho của DCM hiện tại là hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó có đến gần 1.400 tỷ đồng là thành phẩm sẵn sàng để bán. Trong khi đó, quý I/2023, DPM ghi nhận lượng hàng tồn kho hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó giá trị thành phẩm lên đến hơn 2.300 tỷ đồng. 

Phúc Minh
Doanh nghiệp sản xuất ure lại gặp bất lợi vì thuế

Doanh nghiệp sản xuất ure lại gặp bất lợi vì thuế

Sản xuất ure trong nước đã dư thừa, trong khi thuế xuất khẩu ure vẫn là 5% khiến các “ông lớn” sản xuất phân bón ure trong nước lao đao.