Gia Lai dấu ấn từ các xã đạt chuẩn nông thôn mới
19/04/2017 18:00 GMT +7
Kết thúc năm 2016, tỉnh Gia Lai có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10 xã so với năm 2015.

Tại xã Tân Sơn (TP. Pleiku), sau hơn 5 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 104,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là hơn 19,4 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 77,6 tỷ đồng; vốn tín dụng, doanh nghiệp hơn 7 tỷ đồng; vốn từ các nguồn tài trợ khác 407 triệu đồng. Trong 19 tiêu chí đạt được, nổi bật nhất là tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn. Để hoàn thành tiêu chí này, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo và phân công cán bộ trực tiếp đến các thôn làng, nhất là các làng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng. Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Sơn, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa; 79% đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa; 67,8% đường ngõ, hẻm đã được cứng hóa, trên địa bàn hiện không có đường lầy lội vào mùa mưa.

Xã Đak Yă (huyện Mang Yang), là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng lên. Tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới của xã hơn 65,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 38,3 tỷ đồng, vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện hơn 21,5 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp hơn 2,4 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 3,1 tỷ đồng. 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, 92,4% đường trục thôn, ngõ xóm được cứng hóa; thu nhập bình quân đầu người được 26,08 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,67%. Trên các lĩnh vực y tế, giáo dục được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu cho người dân. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững.

Xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) cũng là xã đầu tiên của huyện Chư Prông đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2016, xã Bàu Cạn đã tích cực huy động nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án lồng ghép và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Cụ thể, ngân sách đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới là 20,4 tỷ đồng; số tiền nhân dân đóng góp là 62,1 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 6,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,4 triệu đồng/năm (tăng 6,4 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 71,4%; 100% thôn đạt danh hiệu văn hóa; 1.343/1.605 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 83,67%); 100% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 3/3 trường (Mầm non, Tiểu học, THCS) được công nhận đạt chuẩn; 4/6 thôn có đội thu gom và xử lý chất thải…

Tại xã Ia Pal (huyện Chư Sê): Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, theo đánh giá xã Ia Pal chỉ đạt 2/19 tiêu chí. Sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, xã Ia Pal ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 27,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,88%. 9/9 thôn, làng đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, 77,18% số hộ đạt gia đình văn hóa; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sôi nổi; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn. Sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí thực hiện là trên 33 tỷ đồng, xã IaPal đã vận động nhân dân đóng góp trên 2,6 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi... Đến nay xã đã được UBND Tỉnh công nhận đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là 1 trong 6 xã đầu tiên của huyện Chư Sê được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.