dd/mm/yyyy

Giá gia cầm hôm nay 17/3: Giữa lúc mất giá, gà thịt đón tin vui

Cập nhật giá gia cầm hôm nay 17/3 tại nhiều vùng vẫn chưa có khởi sắc. Một tin vui đến với ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam là mới đây, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga đã có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ Việt Nam vào Nga. Qua đây có thể mở ra thêm

Giá gia cầm hôm nay 17/3: Giữa lúc mất giá, gà thịt đón tin vui - Ảnh 1.

Thịt gà chế biến của Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam sắp được xuất khẩu sang Liên Bang Nga.

Thịt gà Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước

Hiện, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đang phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện cho các lô hàng để có thể xuất khẩu sang thị trường này sớm nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y, sau khi Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga thông báo chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ Việt Nam, Cục Thú y đang phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện cho các lô hàng để có thể xuất khẩu sang thị trường này sớm nhất.

"Hiện Cục Thú y và cơ quan thú y của Liên bang Nga đã thống nhất được mẫu chứng nhận kiểm dịch, cùng với các điều kiện thú y, an toàn thực phẩm được nêu rất rõ", ông Long khẳng định.

Ông Long cho biết thêm, Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Kyou & Unitex… đã và đang đầu tư chuỗi sản xuất, chế biến thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chí của Liên bang Nga. Và Cục Thú y đã làm việc với các doanh nghiệp có tiềm năng đáp ứng được các tiêu chuẩn của Nga để sắp tới có thể xuất khẩu thịt gà sang thị trường này.

Là doanh nghiệp đầu tiên được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cấp phép cho xuất khẩu các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nga, đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, Việt Nam được phép xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Liên bang Nga cũng đồng nghĩa sản phẩm này được phép xuất khẩu sang các nước trong Liên minh kinh tế Á – Âu.

Để có thể xuất khẩu được thịt gà chế biến vào các thị trường khó tính này, Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.

Theo Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, việc thị trường xuất khẩu thịt gà chế biến được mở rộng thêm sang nhiều nước không những giúp nâng cao giá trị gia tăng của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mà còn mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi gà, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường trong nước. Từ đó, nâng cao vị thế của ngành chăn nuôi Việt Nam với công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Được biết, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hiện đang có chi nhánh Nhà máy chế biến sản phẩm thịt gà tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội được xuất khẩu vào thị trường Nga. Công ty hiện đang đầu tư dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín tại Khu công nghiệp Becamex, tỉnh Bình Phước. Dự án có công suất đạt 50 triệu con/năm.

Ông Montri Suwanposri - Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam kỳ vọng, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, dự án sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động và có thể xuất khẩu sản phẩm gà chế biến trong năm nay và đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm quan trọng trong nền công nghiệp thực phẩm thế giới.

Ông Long khẳng định thêm, trước khi được xuất khẩu vào Nga, thịt gà chế biến của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, một thị trường vô cùng khắt khe. Năm 2019, con số xuất khẩu mặt hàng này của các công ty trong nước đã đạt trên 11 triệu USD. Dự kiến trong năm 2020, giá trị xuất khẩu thịt gà chế biến sẽ còn tiếp tục tăng.

Riêng Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Đồng Nai sẽ xuất khẩu khoảng 3.625 tấn thịt gà chế biến với tổng giá trị khoảng 20 triệu USD. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến thịt gà hàng đầu Việt Nam và có thể đáp ứng được yêu cầu của rất nhiều thị trường khác, sau khi đã khẳng định được vị trí tại thị trường Nhật Bản.

Không chỉ C.P hay Koyu&Unitek, nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thịt gia cầm của Việt Nam cũng đáp ứng được yêu cầu này. Ví dụ, Tập đoàn Dabaco có thể rà soát rất cả các khâu sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của đối tác về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế để có thể xuất khẩu sản phẩm của mình.

"Tôi tin có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chăn nuôi, chế biến gia cầm đủ điều kiện xuất khẩu vào những thị trường khó tính, nhất là trong một điều kiện vô cùng quan trọng là mối nguy về dịch bệnh với gia cầm không nhiều", ông Long nhấn mạnh.

Giá gia cầm hôm nay 17/3: Giữa lúc mất giá, gà thịt đón tin vui - Ảnh 2.

Giá vịt thịt hôm nay tại các vùng vẫn ở mức thấp.

Người nuôi nhỏ lẻ chưa hết lo

Là một hộ chuyên nuôi gà ta thả vườn (giống bản địa) cung cấp cho các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ sau Tết Nguyên đán đến giờ khách du lịch thưa dần, các đầu mối đặt hàng cũng tạm ngưng khiến cho đàn gà của gia đình bà Phạm Thị Ngọc ở Gia Viễn (Ninh Bình) ế ẩm.

Theo bà Ngọc, khi chưa xảy ra dịch bệnh, bà và hàng chục hộ chăn nuôi khác ở cùng xã, huyện đều đang phất lên dần nhờ nuôi gà, vịt, lợn phục vụ khách du lịch. "Trước nuôi được đàn gà nào cũng đều bán hết, có thời điểm còn "cháy hàng" nhưng đến giờ thì chả ai mua, chúng tôi phải thịt mang ra chợ bán, thê thảm lắm", bà Ngọc buồn rầu nói.

Chia sẻ thêm với PV Dân Việt, bà Ngọc cho hay: Các giống như gà đồi ở Ninh Bình hay ở các tỉnh miền núi phía Bắc đều được khách châu Á rất thích ăn. Vì vậy, mặt hàng này có thể kết hợp với ngành du lịch để bán cho khách nước ngoài ngay tại Việt Nam cũng rất hiệu quả và là một hình thức xuất khẩu tại chỗ. 

Chưa kể, xuất khẩu dạng này Việt Nam còn có thể thu được nguồn lợi từ việc phục vụ ăn uống cho khách, tạo sinh kế cho người dân. Đây có thể xem là "lãnh địa" của nông hộ - những người không đủ tiềm lực để tham gia thị trường chăn nuôi công nghiệp. 

"Nhờ mô hình này mà chúng tôi có thể bám trụ được, sản phẩm gà đồi, gà bản, heo mọi, vịt thả đồng… được chăn nuôi theo tập quán ngàn đời bằng thức ăn tự nhiên, thời gian sinh trưởng dài, hương vị đặc trưng, giá thành cao nhưng giá bán cũng cao, nhất là khi người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm tự nhiên. 

Nếu thị trường gà đặc sản bản địa lành mạnh, nông dân có thể bảo đảm được cuộc sống của họ ngay tại nông thôn, không phải rời quê để bán sức lao động, sống nhà trọ chật hẹp do không có trình độ, bằng cấp", bà Ngọc khẳng định.

Cập nhật thêm giá gà, vịt hôm nay tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Bến Tre... chúng tôi nhận thấy chưa có khởi sắc.

Cụ thể, giá vịt thịt hôm nay vẫn đang dao động ở mức từ 27.000 đồng đến 35.000 đồng/kg; già gà ta thả vườn tại Bến Tre có giá cao nhất đạt trên dưới 75.000 đồng/kg; giá gà lông màu thương lái đang thu mua từ 43.000 đồng đến trên 50.000 đồng/kg; gà mía Sơn Tây có giá từ 82.000 đồng đến 85.000 đồng/kg.

Ngoài ra, giá gà thịt công nghiệp bán ra tại trại có giá trên dưới 33.000 đồng/kg; giá ngan thịt từ 45.000 - 65.000 đồng/kg, tùy loại non, già..

"Nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện, giá gà vịt duy trì mức thấp như hiện nay thì bà con chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn, thua lỗ và thậm chí phải bỏ nghề", ông Nguyễn Thi Trương, một chủ trại gà ở Long Thành (Đồng Nai) bộc bạch.

Trần Quang