dd/mm/yyyy

Gặp khó tái đàn lợn: Dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi như "một cổ hai tròng"

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi ở một số huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương của tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá lợn giống chưa có dấu hiệu giảm... Điều này đã làm người nuôi lợn ở Lào Cai đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.

Đầu tháng 6 vừa qua, gia đình anh Triệu Tòn Nhỉ, ở thôn Phiêng Đoóng, xã Nậm Xây, (huyện Văn Bàn) đã bị DTLCP "cướp" đi đàn lợn 40 con. Giờ đây, vợ chồng anh chỉ có thể nhìn ngắm lại đàn lợn qua những video và bức ảnh lưu trên điện thoại. 

Kinh nghiệm hơn 7 năm nuôi lợn, 2 lần trước thắng DTLCP và đã chủ động phòng dịch nhưng lần này gia đình anh Nhỉ đã không còn may mắn. Đàn lợn chết để lại cho gia đình khoản nợ gần 60 triệu đồng đầu tư trước đó. Xót xa nhưng anh vẫn mong hết dịch để được tái đàn.

Gặp khó tái đàn lợn: Dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi như "một cổ hai tròng" - Ảnh 1.

Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Văn Bàn. Ảnh: Kim Thoa.

Cách nhà anh Nhỉ không xa, hộ anh Phạm Văn Tình cũng bị thiệt hại nặng bởi DTLCP. Là những người trẻ có suy nghĩ táo bạo trong phát triển kinh tế, vợ chồng anh Tình đã đầu tư xây dựng chuồng trại, lắp đặt đầy đủ thiết bị (camera, quạt mát, điện chiếu sáng, hệ thống nước) để giám sát, chăm sóc đàn lợn của gia đình. 

Hơn 2 năm thành công trong chăn nuôi lợn, vợ chồng anh đã trả hết nợ, dành dụm được chút vốn liếng. Tháng 3/2021, gia đình anh đầu tư hơn 90 triệu đồng mua 30 con lợn giống và cám chăn nuôi. Đến khi đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng thì mắc DTLCP, buộc phải tiêu hủy hết. Chuồng trại nay trống trơn, chỉ còn lại mấy chục bao cám. Anh quyết định chuyển sang nuôi gà thương phẩm.

Gặp khó tái đàn lợn: Dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi như "một cổ hai tròng" - Ảnh 2.

Sau hơn 1 năm, đàn lơn 130 con bị tiêu hủy do DTLCP, đến nay gia đình ông Đặng Văn Tiếp vẫn chưa thể tái đàn. Ảnh: Bình Minh.

Tại thôn Nhai Tẻn 1, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, gia đình ông Đặng Văn Tiếp vẫn chưa nguôi ngoai về thiệt hại của đàn lợn 130 con bị DTLCP phải tiêu hủy. 

Sau hơn 1 năm DTLCP "càn quét" qua, đến thời điểm này, chuồng trại của gia đình ông Tiếp vẫn trống trơn. "Chuồng trại bỏ trống hơn 1 năm nay, chúng tôi rất muốn tái đàn trở lại. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên chưa dám vào lại".

Mặt khác, theo ông Tiếp, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang ở mức cao chưa từng có, cộng với giá lợn giống vẫn ở mức "đỉnh", bở vậy, người nuôi lợn như gia đình ông Tiếp và nhiều hộ khác đang phải gánh "một cổ hai tròng".

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, để phòng, chống DTLCP, Chi cục đã cấp cho huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai trên 4.000 lít hóa chất phục vụ cho tháng khử trùng, tiêu độc và xử lý ổ dịch, môi trường chăn nuôi; cấp cho các huyện, thành phố, thị xã 150 quyển sổ tay tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi; 1.300 tờ rơi hướng dẫn tiêu huỷ lợn mắc bệnh DTLCP.

Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, nguyên nhân DTLCP bùng phát trước đó là do người chăn nuôi mua lợn giống mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi; vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm mầm bệnh. Các hộ chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp cách ly, an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện phối giống lợn trực tiếp để mầm bệnh nhiễm vào đàn lợn của mình.

Bình Minh