Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 02:21 AM (GMT+7)
Đường lớn mở ra không gian lớn
2024-02-09 13:23:56
Sáng 24/12, cả nước khánh thành 4 dự án giao thông lớn: phía Bắc có sân bay Điện Biên và cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; phía Nam có cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đi vào hoạt động.
"Chưa bao giờ cùng lúc chúng ta khánh thành 4 công trình giao thông lớn như thế này", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Đáng chú ý, hai dự án giao thông phía Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi kết nối sẽ đem lại năng lực phát triển đột phá cho đồng bằng nhờ nối thông với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Mở ra không gian phát triển
Ông Lê Quang Thành, một tài xế xe tải thường đi tuyến miền Tây lên TP.HCM, rất vui: "Dân miền Tây tụi tui vui dữ lắm. Từ nay từ Cần Thơ đi Sài Gòn có thể đi 2-3 đường, chớ không phụ thuộc QL1 như trước". Hàng ông Thành thường chở là nông sản đi TP.HCM và các cảng. Cũng có khi chở hàng trái cây đi các tỉnh phía Bắc. "Bây giờ đã có cao tốc nối từ Cần Thơ lên TP.HCM, theo cao tốc Long Thành – Dầu Giây tới tận Cà Ná (Bình Thuận), đi nhanh lắm", ông nói.
Đứng trước cây cầu Mỹ Thuận 2 trong ngày khánh thành, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, xúc động: "Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất nhiều tiềm năng nhưng bao đời nay vẫn là vùng đất chậm phát triển. Có cầu Mỹ Thuận 2 kết nối cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, tuy chưa phải là quyết định nhưng chúng tôi tin chắc rằng, đây sẽ là động lực mạnh mẽ giúp ĐBSCL bứt phá".
Như vậy, ở toàn miền Nam hiện nay, đang có gần 400km đường cao tốc, từ Cà Ná (Bình Thuận) nối dài lên tục đến Cần Thơ. Nếu trước kia, với 400km đường đi này, xe ô tô phải mất 8-10 giờ thì nay chỉ mất khoảng 5 giờ, bớt gần một nửa thời gian đi lại hoặc vận chuyển hàng hóa. "Trong vận chuyển, giảm được 1/2 thời gian là giảm chi phí logistics, giảm hư hao máy móc và hao tốn nhiên liệu", ông Nguyễn Văn Bon, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang nhận định.
"Chưa bao giờ phía Nam được đầu tư hạ tầng giao thông nhiều, nhanh và quyết liệt như thế này"
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Không chỉ với tuyến cao tốc dọc theo QL1 đã hình thành, trên toàn miền Nam, một hệ thống cao tốc trục ngang cũng đang được hình thành, kết nối với tuyến hiện hữu và QL1, tạo ra một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong tương lai.
Đó là tuyến Vành đai 3 TP.HCM dài 78km, vốn đầu tư tới 75.000 tỷ đồng, kết nối các tỉnh TP.HCM - Long An - Đồng Nai - Bình Dương, trong đó Bình Dương đã làm hoàn chỉnh hơn 10km đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn về hướng Bình Phước (sau này sẽ hình thành tuyến cao tốc lên đến cửa khẩu phía Campuchia).
Ở hướng Đồng Nai, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 76km, vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng cũng đang gấp rút thi công. Đây là con đường từ các khu cụm công nghiệp Biên Hòa đưa hàng hóa về hướng cảng biển Cái Mép - Thị Vải để ra biển lớn.
Ngoài ra, cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai) xuyên qua rừng Sác (TP.HCM) cũng là tuyến rất quan trọng, giúp hàng hóa không đi qua TP.HCM mà có thể từ miền Đông đến thẳng miền Tây và ngược lại. Tuyến này sẽ kết nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây, hòa vào tuyến cao tốc chính của quốc gia.
Trong khi đó, TP.HCM cũng mở cửa khẩu TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) để kết nối với hướng Campuchia. Đây là cửa khẩu có mậu dịch mạnh giữa hai nước.
Ở miền Tây, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng đang đua tiến độ, là trục ngang nối từ Đông sang Tây, giúp đồng bằng gần lại nhau hơn và đem lại cơ hội phát triển lớn, đồng đều cho các tỉnh. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tiếp nối Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng bắt đầu chuyển động.
"Chưa bao giờ phía Nam được đầu tư hạ tầng giao thông nhiều, nhanh và quyết liệt như thế này", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trong buổi khánh thành các dự án hôm 24/12.
Đòi hỏi có nhiều cây số đường cao tốc hơn nữa
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, một người sát cánh, gắn bó với rất nhiều dự án hạ tầng giao thông trên cả nước hàng chục năm qua cho biết: chưa bao giờ đất nước có nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư như hiện nay. "Đó là nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ và ngành giao thông vận tải", ông nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có một so sánh ấn tượng: 20 năm qua, cả nước chỉ làm được 1.100km đường cao tốc, thì chỉ trong 2023, cả nước đã khánh thành 475km đường cao tốc. "Mục tiêu là 5 năm tới, số kilomet đường cao tốc phải đạt hơn gấp đôi", ông đòi hỏi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từ khi nhận nhiệm vụ, ở công trường dự án cao tốc nào cũng có bóng dáng ông. Riêng cầu Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, ông đã có 5 chuyến đến thăm dự án. Sự có mặt của ông ngoài thể hiện sự quan tâm, động viên còn nói lên rằng đây là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ: đường lớn mở ra không gian lớn, từ đó mới có cơ hội lớn.
Để có nhiều cây số đường cao tốc hơn nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nguồn lực là quan trọng. Ông đúc kết: "Nguồn lực bắt đầu từ tư duy; động lực bắt đầu từ đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; có nguồn lực, động lực và sức mạnh thì việc gì cũng có thể hoàn thành và hoàn thành tốt".
Để đạt được mục tiêu đạt gấp đôi số kilomet đường cao tốc trong 5 năm tới (hiện nay là 1.900km), Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận, cả nước phải hết lòng. Trong đó, các địa phương vào cuộc giải phóng mặt bằng tốt, vận động nhân dân đồng thuận và nhà nước chi trả xứng đáng cho hỗ trợ, bồi thường. Đặc biệt, ngành giao thông vận tải phải đi trước, đi đầu, dấn thân và dám chịu trách nhiệm. "Có như thế chúng ta mới hoàn thành nhiệm vụ", ông nói.
Thế giới đang biến đổi khôn lường nhưng nước ta vẫn đang ngày càng phát triển, dẫu còn khó khăn. Còn lắm gian nan nhưng con đường lớn ngày càng rộng mở.
Thông xe đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Sau 6 năm triển khai, hơn 3km đường song hành với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức thông xe, góp phần giảm ùn tắc cửa ngõ phía Đông TP.HCM.