Thứ hai, 20/05/2024

Đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho vùng Đông Nam Bộ

11/10/2023 7:00 AM (GMT+7)

Đông Nam Bộ có áp lực, có nguồn lực, song lại thiếu động lực. Theo các chuyên gia, cần sớm xây dựng quỹ tài chính cho vùng Đông Nam Bộ để vực dậy nền kinh tế cả vùng.

Tại hội thảo khoa học “Cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ. Đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng”, các chuyên gia cho rằng vùng Đông Nam Bộ có áp lực, nguồn lực song lại thiếu động lực. Vì vậy, cần huy động vốn, đầu tư hạ tầng… là một trong những giải pháp để tạo động lực phát triển cho vùng.

Động lc tăng trưởng vùng ĐNB đang suy yếu

Là thành viên nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết vùng ĐNB là vùng động lực lớn, quan trọng nhất của quốc gia, song động lực phát triển đang yếu dần, có sự suy giảm.

Đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh TRANG DIỄM

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng vùng còn yếu, thiếu tính kết nối và đồng bộ. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra, phát triển công nghiệp trong vùng còn thiếu tính bền vững…

“Vùng Đông Nam Bộ có đủ áp lực, nguồn lực, song chưa có động lực, vì vậy cần phải xây dựng động lực để phát triển vùng Đông Nam Bộ. Một trong những nút thắt cần làm là huy động, sử dụng vốn để tạo nhiều cơ hội cho vùng Đông Nam Bộ - đây cũng là nguồn động lực để phát triển cho vùng” - TS Cung nói.

TS Cung cho rằng Quốc hội đã ban hành Nghị quyết (NQ) 98 để phát triển, huy động vốn, song vẫn còn nhỏ giọt và chưa thể giải quyết hết các vấn đề về huy động, phân bổ có hiệu quả nguồn lực tài chính.

Đồng tình, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng không có sự can thiệp và thúc đẩy về mặt cơ chế thì sự suy giảm đó sẽ tiếp tục diễn ra.

Đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

TS Trần Du lịch cho rằng không cần nghiên cứu gì thêm mà áp dụng luôn một số điểm trong NQ 98 cho cả vùng. Ảnh: TRANG DIỄM

Ông Vũ cho rằng cần tập trung can thiệp vào nguồn tài chính và xem đó như là điểm quan trọng trong các khuyến nghị thảo luận chính sách ưu tiên của trung ương, Chính phủ và các tỉnh, TP của vùng trong thời gian tới.

Theo ông Vũ, vấn đề giao thông liên vùng đã được thảo luận rất nhiều. Theo đó, NQ 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông lớn (TOD). “Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu tuyến metro số 1 tiếp tục được kéo dài đến Bình Dương thì Bình Dương cũng phải có cơ chế đặc thù riêng, bởi TOD chỉ thực hiện được ở TP.HCM. Tương tự, đường vành đai 3 cũng chỉ thí điểm ở các nút giao ở đường vành đai 3 (TP.HCM), còn các địa phương khác không thể thực hiện” - ông Vũ nêu.

Đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh TRANG DIỄM

Vận dụng Nghị quyết 98 cho vùng Đông Nam Bộ

Theo TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện NQ 98, vùng Đông Nam Bộ đang có cơ hội phát triển, đặc biệt là khi có NQ 24 của Bộ Chính trị và NQ 98 của Quốc hội. Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ đang suy giảm và thực tế đã rõ từ lâu.

Theo ông Lịch, hiện có hai vấn đề lớn của vùng Đông Nam Bộ cần phải thay đổi. Đầu tiên, hiện chưa có cơ chế phát triển vùng Đông Nam Bộ và các địa phương đang dựa trên cơ chế tỉnh, mọi chỉ tiêu đều theo tỉnh và tự lo nên không thể phát triển liên vùng.

Thứ hai là các cơ chế hợp tác liên vùng vẫn luôn bất cập giữa mục tiêu kế hoạch của Nhà nước và cơ chế thị trường. Vì vậy, để phát triển vùng Đông Nam Bộ cần có cơ chế đặc thù cho vùng.

Đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện NQ 98. Ảnh TRANG DIỄM

“Để phát triển vùng, không cần nghiên cứu gì thêm mà áp dụng luôn một số điểm trong NQ 98 cho cả vùng. Ngân sách của địa phương này có thể đầu tư qua địa phương khác đối với những công trình hạ tầng đi qua các địa phương đó” - TS Lịch nói.

Đồng tình với các chuyên gia, ông Lịch cho rằng các mô hình TOD, BOT cho các đường hiện hữu, hợp tác công tư PPP về văn hóa - thể thao… có trong NQ 98 thì cũng nên áp dụng cho cả Bình Dương, Đồng Nai.

Đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 5.

Liên kết hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ là một điểm yếu của vùng. Ảnh TRANG DIỄM

Riêng về quỹ đầu tư hạ tầng vùng, theo ông Lịch thì phải xác định được đối tượng đầu tư. Đó là các tuyến đường cao tốc vùng, tuyến đường sắt nối toàn bộ vùng; các hạ tầng liên quan đến cảng. Đặc biệt là hạ tầng viễn thông, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của vùng, xây dựng hạ tầng để chuyển đổi số. Ngoài ra, cần phát triển các trung tâm xử lý chất thải điện, năng lượng sạch ở vùng.

Vị chuyên gia này đề xuất có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư địa phương, từ ngân hàng phát triển, tư nhân, điều hành dựa trên hiệu quả đầu tư, không có bao cấp, không “xin-cho”.


Cần có cơ chế huy động vốn khác biệt

TS Vũ Anh Tuấn,Trường ĐH Việt Đức, cho biết quỹ tài chính là vô cùng quan trọng để huy động vốn. Hiện Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế song liên kết vùng lại khá yếu. Vì vậy, vùng này cần đầu tư mạnh hơn nữa để thực sự phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Mạng lưới đường bộ ngoài hai đường vành đai 3 và 4, vùng Đông Nam Bộ cần phát triển thêm các tuyến cao tốc xuyên tâm để kết nối Bình Dương, Bình Phước, Campuchia và hàng loạt trục kết nối khác để đường vành đai 3 không bị quá tải khi mới đi vào khai thác.

“Chúng ta đừng để cao tốc thành thấp tốc và để làm được điều này thì cần phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, cần bộ khung lớn là đường sắt đô thị liên vùng. Tuy nhiên, cần nguồn vốn rất lớn và cần cơ chế tài chính khác khác biệt” - ông Tuấn nói.

Vì vậy, cần phải có quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho cả vùng Đông Nam Bộ. Nhà nước cũng cần huy động thêm nguồn thu từ phát triển đô thị xung quanh nhà ga, thuế phí và nguồn thu từ chuyển nhượng đất đai để đầu tư cho những tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, khơi thông hạ tầng kết nối vùng.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC), cũng cho rằng cần tính tới cơ chế sử dụng vốn hiệu quả, phải có nguồn thu để trả nợ. Một tuyến đường muốn thu hồi vốn mất trên 20 năm, còn ngân hàng chỉ cho vay 5-10 năm là tối đa.

“Vì vậy, muốn phát triển quỹ thì phải xây dựng cơ chế tài chính, có thể dùng cơ chế ngân sách nhà nước. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ bố trí hằng năm một khoản để trả nợ cho ngân hàng. Nhà nước bố trí ngân sách ngay từ đầu hoặc bố trí vốn để cùng trả nợ với chủ đầu tư” - ông Thanh nói.

Theo PLO

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Việt Nam có hãng với tỷ lệ bay đúng giờ nhất Châu Á - Thái Bình Dương

Việt Nam có hãng với tỷ lệ bay đúng giờ nhất Châu Á - Thái Bình Dương

Với chỉ số chuyến bay hạ cánh đúng giờ là 81,85%, Vietnam Airlines đã vào danh sách top 5 hãng hàng không có tỷ lệ đúng giờ cao nhất Châu Á - Thái Bình Dương.

4 ngân hàng yếu kém đang được kiểm soát đặc biệt

4 ngân hàng yếu kém đang được kiểm soát đặc biệt

Hiện có bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm: Ngân hàng Đông Á (DongABank), Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank) và Dầu khí toàn cầu (GPBank). Các ngân hàng này cũng đang được NHNN kiểm soát đặc biệt.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết tiếp tục giảm vốn Nhà nước

Nhiều doanh nghiệp niêm yết tiếp tục giảm vốn Nhà nước

Nhiều công ty trên sàn chứng khoán như FPT, Nhựa Tiền Phong, Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, Cơ khí và khoáng sản Hà Giang đang nằm trong danh sách 31 doanh nghiệp thoái vốn đợt 2/2024 của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Honda Super Cub 110 giá hơn 80 triệu đồng ở Việt Nam

Honda Super Cub 110 giá hơn 80 triệu đồng ở Việt Nam

Một số đơn vị nhập khẩu xe máy tư nhân tại Việt Nam đang chào bán mẫu Honda Super Cub 110 2024 mới nhập khẩu từ Thái Lan với mức giá trên 80 triệu đồng.

Ghé hội chợ OCOP TP.HCM ngắm bonsai dừa, nếm cá trắm kho riềng, nem cua bể

Ghé hội chợ OCOP TP.HCM ngắm bonsai dừa, nếm cá trắm kho riềng, nem cua bể

Không chỉ có đa dạng các mặt hàng từ ăn uống đến chăm sóc sức khỏe, Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP TP.HCM lần 1 năm 2024, còn khiến nhiều người bất ngờ với điều này…

Chứng khoán quay lại xu hướng tăng?

Chứng khoán quay lại xu hướng tăng?

Nhiều nhà đầu tư lo ngại bị "bỏ rơi" vì vẫn đang đứng ngoài quan sát khi VN-Index tăng một mạch hơn 100 điểm chỉ trong thời gian ngắn