Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi của ngày đầu xuân, chị Ka Hằng ở buôn Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) chia sẻ, năm nào gia đình cũng tổ chức vui xuân đón tết cổ truyền, nhưng tết năm nay vui hơn.
Theo tiết lộ của nữ gia chủ, trước tết, cả 3,5 sào trồng rau xanh các loại của gia đình đã bán sớm, né được thời điểm mất giá, nên cho thu lãi trên 90 triệu đồng. 1 sào hoa cũng nở đúng vụ để cung cấp cho các thương lái, 2ha cà phê của gia đình cũng cho thu được nhiều quả… Kết quả này, theo chị Ka Hằng, một phần do may mắn, nhưng phần lớn là do cách làm mới có áp dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt được nhu cầu của thị trường.
"Trước đây, cuộc sống du canh, du cư nên bữa no, bữa đói, làm không đủ ăn, bây giờ nhờ canh tác ổn định, nhất là trồng hoa, trồng rau sạch nên đời sống đã khá hơn, không những đủ ăn mà còn có của dư của để. Nói chung mấy năm gần đây, cuộc sống kinh tế của bà con nơi đây đã phát triển. Tết nhất bà con đã tổ chức đón tết, chơi xuân rất vui"- chị Ka Hằng chia sẻ.
Theo ông K'Rốt - Trưởng ban công tác mặt trận thôn K'Long, xã Hiệp An, do trước đây bị động trong sản xuất, chủ yếu là dựa vào cây lúa và cà phê cho thu hoạch một vụ mỗi năm, đời sống kinh tế của người dân không thể bứt phá đi lên.
Từ ngày loại bỏ độc canh cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, canh tác theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất hoa và rau thương phẩm cung cấp theo nhu cầu thị trường, giá trị trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác của bà con nơi đây đã tăng lên đáng kể. Năm qua, nhờ sản xuất theo hướng liên kết, đầu ra sản phẩm được ổn định nên giá trị kinh tế mang lại cao hơn rất nhiều so với trước.
"Từ ngày chuyển sang trồng rau, rồi tiếp đó là trồng hoa thì đời sống kinh tế của người dân trong thôn K'Long đã khá giả hơn trước rất nhiều. Kinh tế ổn định nên đời sống vật chất và tinh thần của bà con theo đó cũng ngày một nâng cao"- ông K'Rốt cho hay.
Ông K'Bửu - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Đức Trọng cho biết, không chỉ xã Hiệp An mà đời sống kinh tế người dân tộc thiểu số ở các xã N'Thol Hạ, Đa Quyn, Tà Hine, Ninh Gia, Phú Hội, Tân Hội, Tân Thành và nhiều vùng khác của huyện Đức Trọng đều có bước phát triển mới, ổn định hơn rất nhiều so với trước.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,84%, tỷ lệ hộ giàu và khá ngày càng tăng. Có được kết quả này là nhờ vào sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước về mọi mặt, cùng với ý thức tự nỗ lực để vươn lên cải thiện cuộc sống mới của người dân.
Sau Đơn Dương, Đức Trọng là huyện đạt chuẩn nông thôn mới thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng, với thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 81 triệu/người/năm, hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và đời sống đã phát triển ổn định. Đây là tiền đề quan trọng để người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đức Trọng nói riêng vững bước phát triển đi lên từng ngày.