dd/mm/yyyy

Dư thừa 2,5 triệu con dẫn tới giá lợn giảm sốc, ai được hưởng lợi?

Khoảng 2,5 triệu con lợn đang chờ xuất chuồng. Dù giá lợn giảm sốc nhưng không có người mua, liệu những giải pháp hiện nay có đủ sức cứu người chăn nuôi hay chỉ như "Bắt cóc bỏ đĩa".

Dư thừa 2,5 triệu con lợn là căn nguyên đẩy giá lợn giảm sốc. Ảnh minh họa

Giá lợn giảm xuống thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã đưa ra hàng loạt giải pháp đồng thời vận động các doanh nghiệp và người dân vào cuộc hỗ trợ người nuôi lợn.

Giải pháp mang tính tạm thời

Một trong những giải pháp được Bộ NN&PTNT đưa ra là kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt tăng cường mua giết mổ cấp đông thịt heo, thịt gia cầm trữ.

Ngoài ra, xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực, nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Kiến nghị doanh nghiệp mua thêm cũng không giải quyết được vấn đề vì nhu cầu thị trường chỉ có như vậy. Ảnh minh họa

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng kiến nghị trên chỉ mang tính chất tạm thời.

Theo ông Vang, tình trạng cung vượt cầu đối với ngành chăn nuôi lợn đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Vào thời điểm này mọi năm chúng ta cần khoảng 27,5 triệu con lợn để cung cấp cho thị trường nhưng hiện nay con số trên đã lên tới 30 triệu con. Việc dư thừa tới 2,5 triệu con lợn khiến cho giá cả thịt lợn bị giảm mạnh, có thời điểm dân bị lỗ đến 12.000 đồng/kg.

“Nếu kiến nghị doanh nghiệp mua thêm tôi nghĩ cũng không giải quyết được vấn đề gì vì nhu cầu thị trường chỉ có như vậy. Thịt thừa nhiều nên sức mua không hết. Trường hợp hạn chế nhập khẩu thịt để bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước tôi nghĩ cũng không hiệu quả lắm. Hiện nay nhập khẩu thịt lợn vào thị trường Việt Nam cũng không đáng bao nhiêu cả, tính ra chưa đến 1%”, ông Vang nhấn mạnh.

Lợi nhuận nằm ở khâu trung gian

Nghiên cứu những giải pháp của Bộ NN&PTNT đưa ra, ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia thương mại, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, những giải pháp thời gian qua chỉ là tạm thời, không giải quyết được tận gốc vấn đề và người chăn nuôi vẫn bị thiệt thòi.

Đến tay người tiêu dùng, thịt lợn phải qua nhiều khâu trung gian làm cho giá tăng cao. Ảnh minh họa

Theo ông Phú, hiện nay có 4 nhóm giải pháp được các cơ quan, ban ngành đưa ra nhằm hỗ trợ người nuôi trước tình trạng thịt lợn rớt giá.

"Bản thân tôi cảm thấy rất buồn khi chúng ta quanh năm giải cứu nông nghiệp. Bây giờ phải tính giải pháp lâu dài chứ cứ trông chờ giải cứu thì không hiệu quả. Theo tôi Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương là hai cơ quan phải chịu trách nhiệm đầu tiên về tình trạng này”.

Ông Vũ Vinh Phú

Đầu tiên là giải pháp giãn nợ cho người nông dân. Thứ hai là đề nghị một số đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan tăng cường thu mua để dự trữ. Thứ ba là yêu cầu một số đơn vị bán lẻ hạ giá thành. Cuối cùng là Bộ NNPTNT liên hệ với phía Trung Quốc để tìm hướng xuất khẩu thịt lợn.

“Đây là những biện pháp giải cứu chính hiện nay nhưng không phải cơ bản. Chúng ta hiện nay đang dư thừa khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Việc này không phải đơn giản.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, những giải pháp các Bộ, ngành đưa ra hiện nay không có tác động quá nhiều đến người nông dân. Các doanh nghiệp lớn sẽ là những đối tượng hưởng lợi chủ yếu.

Đặc biệt, một nghịch lý tồn tại lâu nay được vị chuyên gia chỉ ra đó là, người chăn nuôi bán lợn hơi cho thương lái với giá rẻ từ 27.000-28.000 đồng nhưng giá trong siêu thị vẫn đắt gấp 3, gấp 4 lần.

Để xảy ra tình trạng này, ông Phú cho rằng, thịt lợn từ chuồng đến siêu thị hay chợ phải qua 3-4 khâu trung gian, trong đó, khâu bán lẻ đã chiếm đến 20-30% lợi nhuận.

“Khâu trung gian ăn tới 70% và người dân chẳng được gì cả. Trung gian ở đây bao gồm thương lái, bán lẻ. Các nhóm này hành hạ người chăn nuôi đủ kiểu. Ngoài ra còn có các khoản phí phụ như: phí chiết khấu, phí tạo mã, phí bôi trơn...

Nhiều siêu thị còn tuyên bố sau 2 tháng mới trả tiền thịt lợn vì chưa đến kỳ nhập lợn mới. Họ chỉ biết mình và không hạ giá thành sản phẩm và chỉ biết mình. Thậm chí trong Bình Dương còn tồn tại tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Quầy thịt lợn hạ giá của Công ty cổ phần chăn nuôi CP đã bị phá hoại và xịt sơn”, ông Phú nêu thực trạng.

Doanh nghiệp nhà nước vẫn đứng ngoài

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là vai trò của các Tổng Công ty thương mại nhà nước. Theo đánh giá của ông Phú, những ngày qua khi người nông dân “điêu đứng” vì thịt lợn rớt giá, các đơn vị này không có nhiều tiếng nói và đồng hành cùng người dân.

“Các Tổng công ty thương mại nhà nước ở đâu? Các lò mổ nhà nước sao không xắn tay giúp người nông dân? Các Công ty này giữ hàng trăm mạng lưới với vốn hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên tôi chưa thấy họ ra tín hiệu gì cả. Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh cũng không thấy nói. Thậm chí lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM còn nói chưa biết vấn đề hạ giá thịt lợn và còn nghiên cứu".

Ông Vũ Vinh Phú

Các cơ quan vẫn rất hờ hững. Những người tâm huyết và hết lòng vì bà con không có nhiều. Bây giờ thấy thịt lợn dư thừa, giá thấp nên nhiều người ngại. Nếu nhà nước không có giải pháp căn cơ thì người chăn nuôi sẽ chết, thậm chí phá sản, đóng chuồng”, ông Phú lo ngại.

Theo ông Phú, biện pháp cần làm ngay vào thời điểm này là tìm mọi cách đưa lợn ra khỏi chuồng để người chăn nuôi đỡ thiệt hại. Đồng thời phải có biện pháp lâu dài, tính kế cho năm sau, cho thịt lợn gần dịp Tết.

“Nếu lợn càng nuôi và càng để lâu, người nông dân sẽ tiếp tục lỗ. Trường hợp thịt lợn dưới giá thành tôi nghĩ vẫn phải bán. Bởi lẽ có những trang trại mấy trăm con lợn, ngày tiêu tốn hết mấy triệu tiền thức ăn.

Bên cạnh đó, nhà nước phải tính đến phương án dự trữ, quy hoạch lại chăn nuôi, giết mổ, gắn sản xuất với phân phối. Đồng thời các đơn vị bán lẻ phải hạ giá xuống cũng như đi thu mua thẳng cho bà con, không qua khâu trung gian để nâng cao giá thành của thịt lợn”, ông Phú nêu quan điểm.

T.H