dd/mm/yyyy

Dự báo thị trường đường toàn cầu thặng dư, giá đường sẽ biến động ra sao?

Thị trường đường toàn cầu đang hướng tới thặng dư nhỏ 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2024/25, do sản xuất ở Thái Lan phục hồi, sau khi thâm hụt 1,79 triệu tấn trong niên vụ trước.

Công ty tư vấn Datagro dự báo, sản lượng đường vụ 2024/25 của Thái Lan sẽ đạt 10,5 triệu tấn, tăng so với mức 8,77 triệu tấn trong vụ 2023/24, do mở rộng diện tích trồng mía.

Do thời tiết khô hạn khiến sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil giảm 1,9%, chỉ đạt 41,6 triệu tấn. Tuy vậy, điều kiện thời tiết khô hơn bình thường ở Brazil khiến mía chín nhanh hơn, đẩy nhanh tốc độ thu hoạch của các nhà máy. Khi đó, một lượng đường lớn sẽ được đưa ra thị trường sớm trong vụ mới của Brazil – bắt đầu vào tháng 4.

Jose Orive, Giám đốc điều hành của Tổ chức Đường Quốc tế ISO cho biết, nhu cầu đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,8 triệu tấn trong năm 2024/25 lên mức kỷ lục 182,1 triệu tấn. Ông kỳ vọng thị trường sẽ vẫn được hỗ trợ trong trung hạn, vì không có dấu hiệu tăng sản lượng đáng kể ở bất kỳ khu vực nào. Điều quan trọng là Brazil cần quản lý để cải thiện tình hình xuất khẩu tại cảng vì nước này đạt thị phần kỷ lục với 80% lượng đường xuất khẩu toàn cầu.

Dự báo thị trường đường toàn cầu thặng dư, giá đường sẽ biến động ra sao?- Ảnh 1.

Dự báo thị trường đường toàn cầu thặng dư khi sản xuất của Thái Lan hồi phục

Ngày 13/6, giá đường thô SBc1 kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn ICE tăng 0,31 cent, tương đương 1,6% lên mức 19,1 US cent/lb. Giá đường trắng LSUc1 kỳ hạn tháng 8 trên sàn London tăng 1,5%, chốt ở 554,8 USD/tấn.

Thị trường vẫn lo ngại về thời tiết khô hạn ở một số nơi trên thế giới, bao gồm cả Brazil và Ấn Độ.

Chính phủ Ukraine chính thức cấm xuất khẩu đường sang Liên minh châu Âu EU sau khi hết hạn ngạch năm 2024. Ukraine là nhà cung cấp đường lớn thứ hai của châu Âu.

Các nhà phân tích cho biết, trong tháng 5/2024, xuất khẩu đường của Ukraine đạt 262.000 tấn. Các nhà sản xuất kỳ vọng Ukraine sẽ tăng sản lượng đường trắng thêm gần 3% lên 1,85 triệu tấn vào năm 2024.

Trước đó, trong tháng 5/2024, giá đường toàn cầu đã giảm về mức 0,18 USD/lb (0,454 kg), tương ứng với mức giảm 11% so với hồi đầu năm nay và giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về mặt kỹ thuật, giá đường thế giới đã lập đỉnh và đang đi vào xu hướng giảm giá trong 2 tháng gần nhất.

Việc nguồn cung đường vào cuối niên vụ 2023/2024 cao hơn dự kiến đã giúp giảm bớt các lo ngại về thâm hụt nguồn cung trên thị trường. 

Bên cạnh nguồn cung đường toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện trong niên vụ 2024/2025 khi pha El Nino dần kết thúc và xác suất cao pha La Nina sẽ diễn ra. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu đường để đảm bảo nguồn cung đường trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất đường lớn của Thái Lan vẫn đang hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh lượng mưa tại nhiều vùng trồng mía đường chính vẫn ở mức thấp.

Trái ngược với tình trạng lao dốc của giá đường thế giới, giá đường trong nước gần như đi ngang quanh mức 20.000 - 21.000 đồng/kg trong tháng 5/2024, giảm 6% so với hồi đầu năm nay nhưng vẫn cao hơn 2% so cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng cao hơn mức giá bình quân cả năm 2023. Áp lực giảm trong tháng 5/2024 chủ yếu đến từ việc nhu cầu ở mức yếu hơn dự báo.

Theo nhận định mới đây của SSI Research, giá đường thế giới sẽ không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước trong ngắn hạn do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và phải tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chặt chẽ cũng giúp giảm đáng kể nguồn cung đường nhập lậu từ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.

Hiện một số doanh nghiệp đầu ngành mía đường Việt Nam cùng chung nhận định giá đường trong nước sẽ neo ở khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg trong niên vụ 2023/2024

Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, ngành mía đường Việt Nam đã kết thúc giai đoạn trồng mới cho vụ Đông Xuân và vào vụ ép mía 2023/2024. Diện tích mía thu hoạch ước tăng 12% so với cùng kỳ, đạt hơn 159.000 ha; và sản lượng đường các loại tăng 10%, vượt mốc 1 triệu tấn.

Tuy nhiên, mức sản lượng này vẫn chỉ đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ cả nước, còn lại sẽ phụ thuộc vào đường nhập khẩu. Do vậy, diễn biến giá đường năm nay sẽ phụ thuộc vào diễn biến cung - cầu nội địa, ít ảnh hưởng bởi giá thế giới trong ngắn hạn. Giá đường trong nước hiện vẫn thấp hơn giá đường nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Philippines…

Theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam rơi vào mức 2,389 triệu tấn đường.

Mặc dù nhu cầu nhiều nhưng sản lượng đường sản xuất trong nước cho đến nay chỉ đáp ứng được 43% so với thực tế. Chính vì vậy, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn.

Giá đường nhập khẩu vào Việt Nam cũng biến động tương đồng với giá đường trên thế giới khi có sự sụt giảm trong 3 tháng đầu năm 2024. Tại cuối quý I, giá đường Việt Nam giảm xuống 20.500 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân năm 2023.

P.V