Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 10:06 AM (GMT+7)
Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều so với năm 2023
2024-01-11 17:18:35
Chất lượng tài sản ngành ngân hàng năm 2024 có sự cải thiện, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo bộ đệm dự phòng tốt hơn.
Trong kịch bản cơ sở của SSI Research (bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI), kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6,0% - 6,5% trong năm 2024; lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và NHNN sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu.
"Theo ước tính của chúng tôi, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023", SSI Research nhận định.
Tăng trưởng tín dụng - Bức tranh trái chiều năm 2024
Với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi lên mức 14%, theo SSI Research. Điều này được hỗ trợ một phần bởi lãi suất cho vay giảm. Bên cạnh đó, dư địa tăng trưởng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp như: ngành xây dựng cơ sở hạ tầng; doanh nghiệp sản xuất và FDI; và các ngành nghề được ưu tiên (như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, SME và công nghiệp bổ trợ).
Ngoài ra, các chủ đầu tư bất động sản có nhu cầu vay tái cấp vốn cho các lô trái phiếu đến hạn năm 2024 với tổng giá trị khoảng 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 20% dư nợ tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản trong năm 2023).
Đây cũng có thể là một động lực quan trọng của tăng trưởng tín dụng năm 2024, trừ trường hợp cơ quan quản lý tiếp tục thanh tra và kiểm soát nghiêm ngặt các khoản cấp tín dung chéo đối với các bên liên quan và các công ty vệ tinh.
Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm 3% trong năm 2023, nhưng SSI Research không kỳ vọng dư nợ cho vay mua nhà sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 vì 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm, trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023.
Thứ 2, số lượng căn chung cư và thấp tầng mở bán trong năm 2024 dự kiến lần lượt là 33.851 căn và 5.030 căn, tăng gấp đôi so với năm 2023, nhưng vẫn thấp so với mức trước Covid (khoảng 77.000 căn và 6.800 căn).
Nguyên nhân cuối cùng và cũng quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành.
SSI Research cho rằng các ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý tọa lạc ở những vị trí đắc địa.
"Theo quan điểm của chúng tôi, những ngân hàng có thể gia tăng được thị phần trong mảng này gồm có BID và CTG, do họ có khả năng triển khai chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh và thu hút được khách hàng từ các ngân hàng khác", chuyên gia SSI Research nhận xét.
NIM các ngân hàng phục hồi
Áp lực từ nguồn vốn huy động lãi suất cao ngay từ đầu năm trong khi việc đẩy mạnh giải ngân diễn ra chủ yếu trong những tháng cuối năm với các khoản cho vay ngắn hạn đã tác động tiêu cực đến NIM (biên lãi ròng) các ngân hàng trong năm 2023 (giảm 54 điểm cơ bản so với cùng kỳ).
Trong năm 2024, SSI Research kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù sẽ có thời điểm mà lãi suất tiền gửi nhích nhẹ khi tín dụng tăng tốc (có thể là vào nửa cuối năm 2024), hoặc áp lực giữ chân khách hàng của các tổ chức tín dụng nhỏ do các khoản tiền gửi lãi suất cao đáo hạn có thể chuyển sang các ngân hàng lớn hơn.
Tuy nhiên, lãi suất huy động bình quân trong năm 2024 dự kiến sẽ không có chênh lệch quá lớn so với mức hiện tại.
Theo đó, chi phí vốn dự kiến thấp hơn (giảm 113 điểm cơ bản so với cùng kỳ), CASA cải thiện và các khoản vay mới có thời hạn dài hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực về NIM cho các tổ chức tín dụng trong năm 2024.
SSI Research dự báo NIM sẽ phục hồi 9 điểm cơ bản lên mức 3,75% cho các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu. Mức phục hồi chậm này đến từ 3 lý do.
Thứ nhất, tỷ lệ LDR thuần hiện tại tương đối cao (96% đối với các ngân hàng chúng tôi nghiên cứu tại thời điểm cuối quý III/2023).
Thứ 2, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (MLTL) của một số ngân hàng (như TCB, MBB, OCB, VIB) gần với mức trần quy định là 30%, điều này cho thấy các ngân hàng vẫn phải thu hút thêm nguồn vốn dài hạn hơn.
Lý do thứ 3, tín dụng bán lẻ chưa phục hồi mạnh – phân khúc mang lại NIM cao nhất cho ngân hàng.
- Tham khảo thêm
Tags:
LPBank "mở hàng" ngành ngân hàng đầu năm với chuỗi 4 lô trái phiếu
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã phát hành thành công 4 lô trái phiếu liên tiếp từ 2/1 đến 8/1 với tổng vốn huy động thêm đạt 9.750 tỷ đồng.